Doanh nghiệp kiệt quệ vì ‘thuốc’ lãi suất quá liều

(VEF.VN) - Ai cũng thấy, cho dù “chống lạm phát” song lãi suất huy động, cho vay cao nhất thế giới như hiện nay sẽ là nguy cơ lớn cho những năm về sau. Doanh nghiệp như người bệnh, khi uống thuốc quá liều sẽ không qua được cơn nguy khó hoặc có qua thì cũng mất đi rất nhiều sinh lực.

Anh bạn thân đang vận hành doanh nghiệp sản xuất xi măng quy mô nhỏ ở một tỉnh phía Bắc tâm sự rất buồn vì vừa phải cho thôi việc 105 công nhân do thu hẹp hoạt động vì cắt giảm sản xuất. Đã có thời, anh hồ hởi cho hay sản phẩm làm ra không kịp bán, khách hàng phải xếp hàng nộp tiền mặt trả trước để lấy hàng. Nay thì tình hình thật sự bi đát.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gốm sứ của Úc tại Củ Chi, TP.HCM vừa chấp nhận tuyên bố phá sản giải thể doanh nghiệp sau mười mấy năm hoạt động. Ông chủ công ty người Úc rơi nước mắt trong lời chia tay, khi phải từ bỏ hoạt động sản xuất và buộc phải cho nghỉ việc toàn thể nhân viên trong tháng 6 vừa qua!

Anh bạn khác làm sản xuất mặt hàng đồ điện cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu được một ít ra nước ngoài thì dẹp bỏ hẳn một trong hai xưởng sản xuất tại quận Bình Tân, TP.HCM, cắt giảm sản xuất và dĩ nhiên là công nhân phải chịu cảnh thôi việc, lang thang tìm việc khác, vì các mặt hàng làm ra không cạnh tranh nổi về giá thành với hàng Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc có giá nhân công cao hơn Việt Nam nhưng họ cũng có nền sản xuất công nghiệp hiện đại, làm theo lối chuyên môn hóa rất cao và sản lượng lớn (mass production), do vậy, giá thành trên đầu sản phẩm của họ rẻ hơn ta nhiều. Chưa kể các chính sách kinh tế vĩ mô đang hỗ trợ họ về thuế xuất xuất khẩu, hoàn thuế, tài trợ vốn và lãi suất khác.

Một doanh nghiệp sản xuất khuôn mẫu và gia công đồ nhựa và cao su ở quận 6 (TP.HCM), cũng phản ánh tình trạng suy giảm lượng đơn hàng từ phía các khách hàng truyền thống, chưa đến nổi phải dẹp tiệm, đóng cửa nhưng nếu kéo dài tình trạng này cũng sẽ lâm vào cảnh nguy khốn.

Một bạn làm ngân hàng cho hay đang phải tiến hành bán thanh lý tài sản bất động sản của một doanh nghiệp sản xuất hàng dụng cụ kim loại lừng lẫy một thời vì thua lỗ trong giai đoạn hiện nay.

Ngồi với mấy anh bạn thân ngành xây dựng, cầu đường nghe nói thực trạng hiện nay là thiếu vốn, thiếu thanh khoản trong lĩnh vực này đã trở nên nghiêm trọng. Một số doanh nghiệp đã phải nợ lương công nhân 2-3 tháng và trả nợ đối tác bằng hàng hóa như xi măng, bê tông không bán được của mình. Một công ty ngành giao thông nhờ uy tín và được nhà nước bảo lãnh cũng đã đành phải năn nỉ khất nợ với chủ nợ qua năm sau!

Giá thành trên đầu sản phẩm của TQ rẻ hơn Việt Nam nhiều, chưa kể các chính sách kinh tế vĩ mô đang hỗ trợ TQ về thuế xuất xuất khẩu, hoàn thuế, tài trợ vốn và lãi suất khác.

Anh bạn khác có cao ốc văn phòng cho thuê loại C khu vực Phú Nhuận cũng than vãn về tình trạng khách hàng đang thuê, rút đi nơi khác hay đóng cửa gì đó, hoặc chấp nhận mất cọc vài chục ngàn đô la để chuyển sang các cao ốc trung tâm quận 1, 3 có tiện nghi tốt hơn nhưng nay hạ giá để hút khách, chấp nhận cạnh tranh theo kiểu "phá giá" giành khách.

Mấy bạn bên ngành bất động sản thì phân tích tình hình đầu ra của bất động sản đang kẹt vì ngân hàng đã cắt cho vay mua nhà đất ở hay đầu tư bất động sản nên doanh nghiệp thiếu vốn để hoạt động tiếp, phải án binh bất động, hay giảm giá thật nhiều nhưng cũng chỉ hút được ít vốn từ nguồn là các người mua cá nhân thực sự có tiền tiết kiệm hay nhàn rỗi hiếm hoi hoặc vì nhu cầu bức bách về chỗ ở thực sự.

Bất động sản từ đất nền quy hoạch ở vùng ven hay căn hộ giá rẻ cho tới các loại bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp đều đang chịu sự ế ẩm sau một thời "vang bóng" tăng giá ghê gớm vượt khỏi giá trị đầu tư sinh lời hay giá trị sử dụng đáng có so với các nước trong khu vực, nay phải trả giá theo miệng đời "bạo phát bạo tàn"!

Ai cũng nghĩ, cũng tin là "đáng đời" mấy ông bất động sản vì trước đây có thời "chảnh chọe" hét giá trên trời, kiếm lời siêu lợi nhuận và nay tới lúc phải trả giá!

Thực tế, bất động sản là một ngành kinh tế lớn của nền kinh tế quốc gia. Một ngành kinh tế thiết yếu.

Ai cũng biết là giá trị tài sản vật chất lớn nhất của một gia đình hay cá nhân thường là bất động sản, ngôi nhà bạn đang ở hay nhà xưởng bạn đang dùng để sản xuất kinh doanh. Thậm chí, đối với doanh nghiệp thì giá trị tài sản lớn nhất của các doanh nghiệp có khi cũng nằm trong bất động sản.

Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận là nếu bất động sản có giá hay tăng giá thì giá trị tài sản của cá nhân hay doanh nghiệp sẽ tăng theo tương ứng. Nếu thị trường ế ẩm, giá bất động sản sụt giảm, mỗi người sẽ cảm thấy tài sản của mình vơi đi ít nhiều!

Ở góc độ đầu tư, khi nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước bước vào một thị trường, nếu giá thuê đất hay mua đất cho sản xuất kinh doanh quá cao sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư, tuy nhiên, nếu giá thuê mua đất quá thấp "bèo bọt" so với hàng xóm láng giềng hay các quốc gia xung quanh, thì chẳng khác nào bán rẻ tài nguyên vốn của chính mình.

Ví dụ về một góc nhìn khác: một anh bạn là chủ doanh nghiệp người Singapore tỏ ra không phục khi Việt Nam thu hút được Intel vào đầu tư ở khu công nghệ cao, TP.HCM, dù chúng ta xem đây là một thành công quan trọng khi có một hãng công nghệ hàng đầu, đầu tư nhà máy vào Việt Nam, vì anh ta nói vì Việt Nam đã cho không đất cho Intel và chưa chắc đã và sẽ nhận được "chuyển giao công nghệ" nào trong tương lai, anh ta không tin rằng công nghệ lại có thể được "chuyển giao".

Dĩ nhiên, để thu hút đầu tư công nghệ, các nhà quản lý phải đưa ra nhiều yếu tố hấp dẫn khác như miễn thuế trong một số năm đầu, giảm thuế một số năm sau đó, ưu đãi nhiều yếu tố khác nữa về hạ tầng cơ sở .v...v. vấn đề khó khăn là làm sao để "bán đúng giá"! Và làm sao bán giá cao hợp lý và phục vụ tốt các dịch vụ đi kèm mang lại sự hài lòng về chất lượng tổng thể cao của môi trường đầu tư đối với khách hàng và nhà đầu tư, hơn là bán rẻ các hàng hóa thô, hàng hóa và dịch vụ không có giá trị gia tăng nào!

Trở lại với thị trường bất động sản đang đóng băng và thị trường chứng khoán thiếu thanh khoản nghiêm trọng như hiện nay để thấy tình hình sắp tới sẽ vô cùng khó khăn cho doanh nghiệp vì cả hai chính là nguồn cung vốn cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế xã hội. Không thể nói anh làm ăn giỏi là không cần huy động vốn hay thế chấp tài sản để huy động vốn! Trong khi, các nguồn huy động này bị động, ngăn cản, cắt đứt sẽ như một vết thương âm ỉ, một huyết mạch bị tắc, một căn bệnh tiềm tàng trong cơ thể chỉ chờ chúng ta suy yếu đến lúc nào đó sẽ bùng phát quật ngã cả những người to khỏe nhất, những thực thể to lớn nhất!

Các ngân hàng dù có báo cáo lợi nhuận vẫn hàng "ngàn tỉ" như mọi năm nhưng nay phải đối mặt với nguy cơ thực sự kể từ năm 2008, năm mà được cho là khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tác động đối với Việt Nam nên nhà nước ra tay giải cứu một phần bằng các gói kích cầu và một số doanh nghiệp được cho là đã được "cứu" khi được "đảo nợ" cho vay lại, cho vay tiếp.

Năm nay, các doanh nghiệp không còn cơ hội này sẽ làm lộ diện các doanh nghiệp mất khả năng quay vòng vốn, từ đó các khoản nợ này sẽ biến thành nợ xấu đối với cả hệ thống ngân hàng.

Ai cũng thấy là cho dù "chống lạm phát", song lãi suất huy động và cho vay cao nhất thế giới như hiện nay sẽ là nguy cơ lớn cho những năm về sau. Doanh nghiệp như người bệnh khi uống thuốc quá liều sẽ không qua được cơn nguy khó hoặc có qua thì cũng mất đi rất nhiều sinh lực, không thể hồi phục năng lực lại được như xưa.

Duy trì lãi suất cao như con dao hai lưỡi, chống lạm phát nhưng cũng gây kiệt quệ cho nền sản xuất kinh doanh của toàn xã hội. Không khuyến khích ai tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh mà chỉ cần có tiền gửi ngân hàng kiếm lời hoặc không làm gì cả còn hơn là "càng làm càng lỗ", lợi nhuận không đủ trả lãi vay ngân hàng, khuyến khích người ta làm ăn theo kiểu "phi vụ" ngắn hạn hơn là đầu tư có tính lâu dài, có tầm nhìn dài hạn.

Khi bạn nhịn đói một hai bữa và sau đó ăn uống trở lại thì có thể, cơ thể sẽ hồi phục nhanh, nhưng khi bạn nhịn đói thật lâu sau nhiều ngày, cơ thể sẽ bị tổn thương đến tận "tế bào" mà tổn thương tế bào theo các nhà nghiên cứu y học cho rằng sẽ không bao giờ hồi phục được!

Khi đó, ngân hàng sẽ phải gánh chịu cảnh "Trạng chết thì Vua cũng băng hà" hay nợ doanh nghiệp mất khả năng chi trả sẽ cũng là gánh nợ của ngân hàng. Và dù có siết nợ các tài sản thế chấp, thanh lý bán rẻ cũng sẽ không dễ dàng gì khi kéo theo cả uy tín của một ngành "huyết mạch" của nền kinh tế quốc gia đi xuống trong con mắt của bạn bè quốc tế và giới đầu tư nước ngoài.

Kinh tế vĩ mô luôn là bài toán lớn và khó. Cần những bàn tay vững chãi giàu kinh nghiệm cả lý thuyết lẫn thực tiễn để lèo lái con thuyền nền kinh tế vượt qua cơn khó khăn khủng hoảng này.