Dịch bệnh đe dọa trẻ dịp tựu trường

Tay chân miệng, sốt xuất huyết tiêu chảy và hô hấp là những bệnh được các bác sĩ nhận định có nguy cơ sẽ bùng phát vào đầu năm học mới. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý những bệnh do tâm lý gây nên.

Chiều 5/9, ghi nhận của VnExpress.net tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP HCM), nhiều bé trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học đến khám. Hầu hết bệnh nhi sốt, tiêu chảy, ho, mệt mỏi, tay chân miệng và sốt xuất huyết. Tình hình được các bác sĩ khoa khám đánh giá là tăng, so với lượng bệnh nhi đến khám mỗi ngày tại 2 bệnh viện chuyên nhi vốn là tuyến cuối của TP HCM và các tỉnh lân cận.

Phải dậy sớm đúng giờ, ngủ đúng giấc, nhiều học sinh có thể đổ bệnh trong những ngày đầu năm học. Ảnh: Cao Lâm

Tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi nội trú điều trị tay chân miệng hơn 180 bé, trong đó có 10% phải cấp cứu vì biến chứng. Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng có hơn 150 bé. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có trên 100. Hầu hết bệnh nhi đều trong độ tuổi nhà trẻ.

Ngoài bệnh tay chân miệng, số trẻ mắc mắc sốt xuất huyết cũng tăng cao so với tuần cuối tháng 8, hàng trăm trường hợp nhập viện ở mỗi bệnh viện. Bệnh nhi bị bệnh tiêu hóa và hô hấp phải nằm giường đôi giường ba.

Thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho thấy, trung bình mỗi tuần thành phố có 330 ca mắc mới tay chân miệng. Riêng sốt xuất huyết cũng có khoảng 370 người bị bệnh được phát hiện trong tuần.

Theo các bác sĩ khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, tất cả bệnh sẽ có thể diễn biến phức tạp hơn nếu việc phòng ngừa không được các trường mầm non và tiểu học thực hiện tốt.

"Cụ thể là các bé mắc tay chân miệng có thể lây chéo nếu không được cách ly. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sẽ tấn công nếu môi trường không được làm sạch. Bệnh tiêu hóa sẽ rộ lên khi vấn đề hàng rong trước cổng trường không được quản lý chặt", một bác sĩ nói.

Ngoài các bệnh nhiễm, hô hấp, tiêu hóa, theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong những ngày đầu năm học, chứng đau bụng do stress, mệt mỏi rối loạn cảm xúc do lo âu, thiếu ngủ do quen giấc ngủ ngày nghỉ hè, rối loạn bữa ăn gây rối loạn tiêu hóa... cũng rất dễ xảy ra với học trò.

"Thường thấy nhất là chứng mệt mỏi ở trẻ ở tuổi mầm non hay tiểu học, bởi thông thường các bé được ngủ thẳng giấc, ăn sáng muộn, trưa được ngủ nhiều giờ, nay phải quen với nề nếp mới", một cử nhân tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 nói.

Một bệnh khác cũng được các bác sĩ cảnh báo trong mùa tựu trường đó là chứng cận thị, viễn thị, loạn thị hay tật lác mắt. Theo các bác sĩ khoa nhãn nhi Bệnh viện Mắt TP HCM, trước khi vào năm học, phụ huynh nên đưa các bé khám mắt sớm có biện pháp điều trị kịp thời, tránh tình trạng bé mệt mỏi vì không nhìn thấy chữ trên bảng.

Để trẻ không phải mắc bệnh vào những ngày đầu năm học, các bác sĩ khuyên bố mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho việc quan tâm chăm sóc con. Với các bệnh lây nhiễm, điều cần thiết nhất là giữ gìn vệ sinh thật tốt và làm sạch môi trường sống. Với bệnh tiêu hóa, cần cho trẻ ăn thức ăn an toàn. Và với các bệnh do thay đổi nếp sống, phụ huynh cần giúp con cân chỉnh lại thời khóa biểu, cụ thể là con ngủ sớm, không nên ép trẻ ăn quá nhiều khi trẻ vừa thức dậy...

Cao Lâm( nguôn vnxpress.net)