Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, hội nhập khu vực và toàn cầu đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam. Và nếu so với thời điểm bắt đầu quá trình đổi mới, thì đến nay Việt Nam đã trở thành một địa chỉ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu và một nền kinh tế xuất khẩu không ngừng phát triển.

Cũng theo bà Victoria Kwakwa, xuất khẩu là động lực chính giúp Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng mạnh. Kể từ năm 2000 xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo đã tăng trưởng trên 20%/năm và đến nay đã đạt kim ngạch trên 100 tỷ USD. Tỷ trọng thương mại trên GDP của Việt Nam đã gần mức 180%, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi thế tương đối, thu hút đầu tư và tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. “Việt Nam là một trong số 12 nền kinh tế trong vành đai Thái Bình Dương vừa đạt được thỏa thuận về một Hiệp định thương mại tự do toàn diện nhất từng có trong 2 thập kỷ qua – Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chiếm tỷ trọng 40% GDP và 30% tổng kim ngạch buôn bán hàng hóa toàn cầu, TPP đã thực sự là Hiệp định thương mại tham vọng nhất và toàn diện nhất từng hoàn tất từ trước đến nay”, bà Victoria Kwakwa chia sẻ.

Gần đây, Việt Nam cũng đã đàm phán xong Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA), vì vậy, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương cũng nhận định, Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn, đó là khai thác tối đa lợi ích do các Hiệp định thương mại tự do này mang lại, kể cả việc tiếp cận thị trường rộng lớn, thậm chí thúc đẩy cải cách trong nước.

Nhận định về những Hiệp định thương mại này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường mà còn là các bước đi khẳng định cam kết hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, là bước đi quan trọng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức

Cũng tại Hội thảo sáng nay, bà Victoria Kwakwa cho rằng, Hiệp định thương mại TPP và EVFTA dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về thương mại, đàu tư, tăng trưởng và tạo việc làm.

Dẫn chứng về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Thế giới nói, kết quả tính toán sơ bộ cho thấy rằng, TPP có thể góp phần làm cho thu nhập của Việt Nam gia tăng thêm 8% vào năm 2035 và EVFTA có thể đóng góp thêm 4% nữa.

Bên cạnh những cơ hội, bà Victoria Kwakwa cho rằng, các Hiệp định này cũng đi kèm một số thách thức đáng kể, và nếu không thực hiện cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ.

Theo bà Victoria Kwakwa, vấn đề cốt lõi trong khai thác Hiệp định thương mại là khâu thực hiện. “Trong bối cảnh một nền kinh tế quá độ như Việt Nam thì giữa cam kết quốc tế và luật pháp trong nước vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn, đây chính là một thách thức đặc biệt. Muốn vậy, Việt Nam cần tập trung nhiều công sức đánh giá, sửa đổi, điều chỉnh văn bản luật, thủ tục quản lý Nhà nước và khung thể chế xuyên suốt nhiều ngành kinh tế khác nhau”, bà Victoria Kwakwa nói.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: “Cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định, còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu, đòi hỏi Việt Nam chuẩn bị với tâm thế vững chắc mới có thể hội nhập thành công”.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp, thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động ở Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng. Chính phủ Việt Nam cũng không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, thuộc thành phần kinh tế nào… mà các doanh nghiệp phải tự đi lên bằng đôi chân của mình.

“Chính phủ Việt Nam đang làm hết sức mình để ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế tổng thể với những vấn đề trọng tâm như tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu thu chi ngân sách, bảo đảm bền vững an toàn nợ công, tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… Đây sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập thành công”, Phó Thủ tướng nói.

Theo vnmedia.vn