Hiến kế giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt khó

(DĐDN) Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2012 - Dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các DN xuất nhập khẩu" do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, năm 2012 các DN Việt Nam nói chung và DN xuất nhập khẩu nói riêng đứng trước nhiều thách thức và cần một giải pháp hiệu quả nhất giúp DN vượt khó.

Năm 2012, các DN xuất nhập khẩu đứng trước nhiều thách thức

Bất ổn

Theo dự báo của TS. Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội, kinh tế phát triển thiếu bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kinh tế vĩ mô chưa vững chắc sẽ là những khó khăn cho DN trong năm tới. Theo TS Phong, lạm phát và mặt bằng lãi suất trong năm 2012 có thể vẫn khá cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn gắn liền với nhiều hệ quả, đặc biệt nó gằn liền với sức mạnh tới hiệu lực và hiệu quả nền kinh tế. Cùng với đó, khả năng nhập siêu sẽ lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá, giá vàng có nhiều khả năng vẫn biến động thất thường. Tình hình sản xuất kinh doanh của các DN sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và biến động chính trị ở nhiều nước trên thế giới có thể đột biến, kéo dài và nặng nề. Một số khó khăn và thách thức thị trường có thể lớn hơn và khó lường hơn so với dự báo: Một mặt, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng điện và điện tử sẽ có xu hướng giảm, nhất là những mặt hàng trong diện giảm thuế theo lộ trình hội nhập của Việt Nam trong khuôn khổ AFTA, WTO và một số FTA, cũng như thỏa thuận thương mại đặc biệt khác...; Mặt khác, giá lương thực thực phẩm, giá dầu thô và nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế có thể tăng cao dần; thị trường chứng khoán tiếp tục những thăng trầm, những chủ yếu là sụt giảm mạnh hoặc trì trệ; khủng hoảng nợ công ở nhiều nước tiếp tục nặng thêm; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát cao tại nhiều quốc gia cả phát triển, cũng như đang phát triển và mới nổi; khả năng tiếp tục đậm hơn xu hướng bảo hộ kỹ thuật các thị trường xuất khẩu quốc tế quan trọng của Việt Nam....

Đặc biệt, thị trường bất động sản đang và sẽ có gây những bất ổn cho nền kinh tế của chúng ta, Thị trường chứng khoán trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới còn rất tệ trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng SeaBank chia sẻ: "Trong 10 tháng năm 2011, các DN việt nam đang gặp phải nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng vớ những mức độ tác động khác nhau. Theo con số thống kê, có tới hơn 48 nghìn dng phá sản, đóng cửa, hoặc tạm ngừng sản xuất đó là chưa kể một loạt các dng phải gặp khó khăn trong thời điểm hiện nay. Các khó khăn có thể nhìn thấy đó là chịu ảnh hưởng của lạm phát, khó khăn về huy động vốn, tỷ giá hối đoái...".

Thận trọng!

Dự đoán tính bất ổn trong năm 2012 là tương đối cao, tại hội thảo các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến giúp các DN xuất nhập khẩu có thể vượt qua hoặc hạn chế bớt khó khăn hiện nay.

Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: "Năm 2012, chúng ta có những thuận lợi cũng có nhiều khó khăn. Vì thế, quan điểm nguyên tắc của chúng ta là phải nên thận trọng và thận trọng!. DN nên ổn định thị trường cũ, hạn chế mở rộng thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu giảm giá bán, tranh thủ đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, tư duy nhanh nhạy để nắm bắt thị trường...".

Ông Tuấn cho rằng, tình hình hiện nay quả thực giống như chúng ta đang phải sống trong một gia đình gặp khó khăn, đứa con nào cũng phải được đầu tư. Nhưng nếu nói chỉ DN xuất khẩu cần vốn thì vẫn chưa đủ, mà các DN khác cũng cần, nên giải pháp phải mang tính tổng thể.

"Việc đầu tiên theo tôi là sự cân đối trong mức tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cần được xác định một cách hợp lý để góp phần vào mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, cũng không thể quá thắt chặt, gây khó khăn cho DN. Trong đó, tôi rất quan tâm đến việc, nên chăng có sự phân biệt trong cung ứng tín dụng. Ngân hàng nên đánh giá khả năng sinh lời của từng DN. Đồng thời với từng ngân hàng, cũng cần đánh giá rủi ro và khả năng quản trị của mình. Từ đó, những DN tốt và những ngân hàng tốt có thể được hưởng những khoản tín dụng phù hợp" – ông nói.

Nhận biết được những khó khăn đó, Seabank đã mạnh dạn đưa ra các giải pháp cho các DN, đó là giành nguồn vốn riêng (3 nghìn tỷ đồng) cho các DN xuất nhập khẩu, giảm lãi suất cho vay và giảm phí (ưu đãi đặc biệt với DN xuất khẩu khi giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay và giảm chi phí tối đa cho DN xuất nhập khẩu gồm: giảm 30% phí thanh toán, giảm 50% phí chuyển tiền qua hệ thống chuyển tiền điện tử Seabank (Seanet)), ban hành nhiều giải pháp khác cho DN. Các chương trình được áp dụng từ đầu tháng 11 cho tới ngày 31/1/2012. Đây được coi là đúng thời điểm các DN đang thiếu vốn nhất trong năm với những ưu đãi đặc biệt về vốn, lãi suất, phí dịch vụ.

N.Phương (dddn.com.vn)