Quảng cáo sản phẩm phòng cúm

Rầm rộ quảng cáo sản phẩm phòng cúm

Liên tục các quảng cáo sản phẩm phòng cúm, diệt cúm được doanh nghiệp tung ra nhắm vào tâm lý lo lắng cảnh giác của người dân trước diễn biến bất thường của dịch cúm A đang lan rộng, nhưng chất lượng rất khó kiểm soát.
> Các nước kiểm soát chặt gia cầm từ Trung Quốc

Hiện, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm máy lọc không khí với quảng cáo có tác dụng diệt vi khuẩn, virus cúm A, thu hút được sự chú ý, quan tâm của đông đảo của người tiêu dùng. Điển hình như sản phẩm máy lọc không khí C, xuất xứ từ Hàn Quốc, ngoài tác dụng lọc không khí thông thường, loại máy này được quảng cáo có tính năng diệt đến 99,9% một số type virus cúm A, giúp phòng chống bệnh cúm và các bệnh đường hô hấp. Hàng loạt các hãng máy lọc không khí khác cũng tung ra các chiêu bài quảng cáo có khả năng tiêu diệt đến 99% vi khuẩn, virus, siêu vi, ký sinh thường gặp như Salmonella, E.Coli (gây bệnh đường tiêu hóa), S. Aureus (tụ cầu khuẩn), P.aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh)…

Theo giới thiệu của các hãng, lý do máy lọc có thể diệt được virus cúm vì ngoài màng lọc carbon hút ẩm và khử mùi như các loại máy lọc không khí thông thường, các loại máy này còn sử dụng màng lọc HEPA được sản xuất từ thảo dược, sử dụng dung dịch lọc… nên có thể loại trừ virus, vi khuẩn. Tuy nhiên, điểm chung là các sản phẩm trên đều không giới thiệu cụ thể các thành phần thảo dược hay dung dịch lọc này là gì, cũng như các chất này có gây tác dụng xấu đến sức khỏe người sử dụng hay không.

GS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) phân tích, nếu thực sự các sản phẩm nói trên có thể diệt được 99% các loại vi khuẩn, các type virus cúm A trong môi trường thì chúng cũng sẽ diệt cả những vi khuẩn có lợi, thậm chí “diệt cả con người”, tác động không tốt đến sức khỏe. Cũng theo ông Thịnh, các loại máy lọc không khí, với nguyên lý hoạt động là sử dụng màng lọc có thể giữ lại một số vi khuẩn bám trên bụi, nhưng hầu hết đó chỉ là bụi thô chứ không phải bụi tinh, nói chúng có thể tiêu diệt được đến 99% các loại vi khuẩn, virus cúm… là chuyện viển vông.

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khẳng định, từ trước tới nay chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh thảo dược có khả năng diệt được virus, đặc biệt là các loại virus cúm.

GS TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, để phòng bệnh cúm, ngành y tế khuyến cáo biện pháp quan trọng nhất là người dân cần tăng cường đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Do virus cúm tồn tại trong môi trường nên tốt nhất, mọi người dân nên tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa, không nên đóng kín cửa phòng kể cả trường hợp trong phòng có máy lọc không khí. Còn ở ngoài cộng đồng, người dân cần có ý thức che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

Từ đầu năm đến nay dịch cúm A H1N1 trỗi dậy mạnh, đã xuất hiện một số ổ dịch, chùm ca bệnh, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy dịch cúm diễn biến bất thường. Hiện tại, Bộ Y tế cũng khẳng định chưa đến mức phải có những cảnh báo mạnh mẽ hơn về phòng chống cúm trong cộng đồng. Do đó, GS Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo mọi người dân cần cảnh giác, không chủ quan song cũng không nên quá hoang mang, lo lắng về dịch bệnh này.

Theo ANTĐ