Doanh nghiệp xe máy lo lắng bởi sự hạn chế sắp tới

 

Theo Bản Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được điều chỉnh, sẽ sử dụng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật để khống chế số lượng xe máy trên cả nước, dự kiến đến năm 2020 có khoảng 36 triệu xe máy. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải, tính đến hết tháng 7/2012, số xe máy đăng ký lưu hành là 35.240.162 chiếc. Như vậy, có thể nói từ 2013 đến 2020, xe máy sẽ bị hạn chế mạnh.

Trước khi có quyết định hạn chế xe máy, các doanh nghiệp (DN) vẫn dự báo tiêu thụ xe máy Việt Nam có thể đạt mức 4,5 triệu xe vào thời điểm 2018, và một số DN đã đẩy mạnh đầu tư, nâng tổng công suất sản xuất lắp ráp xe máy cả nước lên 5 triệu xe/năm. Theo các DN, chỉ cần hạn chế xe máy ở mức 3 triệu xe/năm, tương đương với số xe tiêu thụ trong năm 2012, thì chắc chắn sản xuất sẽ gặp khó khăn bởi công suất dư thừa quá lớn.

Con đường xuất khẩu

Trên thực tế không phải đến lúc này Việt Nam mới tính đến xuất khẩu xe máy. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020, xuất khẩu xe máy đạt kim ngạch từ 0,8 đến 1 tỷ USD/năm.

Khoảng 10 năm trở lại đây, các DN xe máy đã tiến hành xuất khẩu. Một số DN xe máy 100% vốn trong nước đã từng xuất khẩu xe nguyên chiếc, phụ tùng linh kiện sang 24 nước tại châu Phi với kim ngạch trên 10 triệu USD mỗi năm.

Công ty SYM đã xuất khẩu phụ tùng linh kiện xe máy sản xuất tại Việt Nam ra nước ngoài. Piaggio Việt Nam đã xuất khẩu xe máy sản xuất tại Việt Nam sang thị trường các nước trong khu vực Asean với khoảng 30.000 xe/năm và dự kiến mở rộng Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan... Honda Việt Nam đã từng xuất khẩu xe Dream, Wave sang các nước khu vực Đông Nam Á với kim ngạch trên 40 triệu USD/năm. Hiện Honda đã xuất khẩu thêm xe SH và PCX sang châu Âu và bắt đầu xuất khẩu xe Lead 125cc mới ra mắt sang Nhật Bản với số lượng khoảng 12.000 xe/năm.

Các chuyên gia Nhật Bản thuộc JICA (Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ) cho rằng, với tỷ lệ nội địa hoá trên 90% và quy mô về thị trường lớn thứ 5 thế giới, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để trở thành trung tâm công nghiệp xe máy ở châu Á, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà xuất khẩu với sản lượng lớn.

JICA khẳng định, xe máy "made in Vietnam" có thể xuất khẩu sang nhiều nước, khu vực như Nam Á, CHLB Nga, châu Phi... Đại diện của JICA còn khuyên Việt Nam thay vì ô tô nên ưu tiên cho ngành công nghiệp xe máy.

Thời gian qua, các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đã chuyển công nghệ sản xuất xe máy vào Việt Nam thông qua việc đầu tư mạnh vào sản xuất linh kiện tại đây. Việt Nam đã trở thành 1 trung tâm sản xuất xe máy lớn trong khu vực.

Việt Nam nằm trong khu vực có thị trường xe máy lớn nhất thế giới hiện nay. Mỗi năm cả thế giới tiêu thụ khoảng 43 triệu xe máy các loại, trong đó riêng Trung Quốc là 10 triệu xe, Ấn Độ 5 triệu xe, Indonesia 5 triệu xe.... Với lợi thế này, Việt Nam có khả năng xuất khẩu linh kiện và xe máy đạt mức 500.000 xe/ năm. Nếu mở rộng thị trường sang khu vực Mỹ la tinh và châu Phi là nơi có nhu cầu về xe máy cao thì con số xuất khẩu sẽ còn lớn hơn nữa.

Theo ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam thì xe máysản xuất tại Việt Nam đến nay hoàn toàn có thể xuất khẩu đi các nước trên thế giới kể cả những thị trường vốn là cái nôi của ngành công nghiệp xe máy thế giới như Nhật Bản, Italia...

Không dễ ăn

Tuy nhiên xuất khẩu xe máy không hề dễ dàng. Tăng trưởng xe máy trên thế giới đang chậm lại chỉ còn 5%/năm. Châu Á vẫn là nơi sản xuất xe máy thông dụng với sản lượng 35-40 triệu xe/năm, nhưng các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản, Trung Quốc vẫn đang đầu tư mạnh ra nước ngoài với phương châm ở đâu có thị trường, ở đó có sản xuất. Vì thế, cơ hội để xuất khẩu xe máy của Việt Nam không có nhiều triển vọng.

Trong khu vực cũng nhiều nước sản xuất xe máy, chất lượng rất tốt và Việt Nam không hẳn có thế mạnh. Xét về dài hạn, thị trường này không mấy triển vọng. Nếu muốn phát triển thị trường này thì cần đến một công nghệ để sản xuất xe tiêu thụ ít xăng hơn hoặc sử dụng nhiên liệu sạch. Tuy nhiên để thay đổi theo hướng trên, cần đến hệ thống công nghệ mới, đồng bộ và khá tốn kém.

Bản thân các DN cũng cho rằng không thể sản xuất riêng những mẫu xe tại Việt Nam chỉ để xuất khẩu. Nói như vậy cũng có nghĩa là nếu không có thị trường tại Việt Nam thì xe máy Việt Nam khó có thể xuất khẩu.

Tiêu thụ xe máy trong nước gặp khó khăn, các hãng vẫn đưa ra nhiều mẫu mới.

Một điều đáng chú ý nữa là, để xuất khẩu xe máy thì các DN phải thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nghiên cứu phát triển các mẫu xe tại Việt Nam. Nhưng hiện nay chỉ có Honda là có Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Piaggio đang xây dựng. Tuy vậy Trung tâm R&D tại Việt Nam lại được thành lập chỉ để làm nhiệm vụ khảo sát, lấy ý kiến người tiêu dùng. Còn trung tâm R&D đúng nghĩa vẫn đặt ở Nhật Bản và Thái Lan, sau đó chuyển các thành phẩm sang Việt Nam.

Như vậy để trở thành một trung tâm công nghiệp xe máy công nghệ cao là điều này vẫn còn xa vời và xuất khẩu xe máy không phải là dễ.

Nếu xe máy bị hạn chế trong thời gian tới thì những nhà máy mới đầu tư có nguy cơ không bao giờ đi vào sản xuất, còn những nhà máy cũ cũng phải giảm công suất. Nhiều DN sản xuất phụ tùng cung cấp cho các DN này cũng sẽ gặp khó khăn theo. Nhiều DN đang sản xuất linh kiện xe máy khác cùng các DN làm nhiệm vụ bán hàng, vận tải... chắc chắn sẽ rất khó khăn khi số lượng xe máy bán ra giảm mạnh và hàng chục nghìn lao động có nguy cơ mất việc làm. Khi đó ngành công nghiệp xe máy sẽ chết dần, chết mòn?

Theo VEF