Thương mại đang đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế

Báo cáo mới về tạo thuận lợi thương mại do Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) thực hiện được công bố ngày 4/7, tại Hà Nội, khẳng định: Thương mại đang đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, do đó, tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai của Việt Nam cần dựa trên tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Mức độ tạo thuận lợi cho thương mại vẫn còn thấp. Ảnh minh họa: Trần Quý
Việt Nam đã đạt được hiệu quả cao trong hoạt động thương mại trong bối cảnh môi trường bên ngoài có nhiều khó khăn, xuất khẩu tăng trưởng 34% trong năm 2011, 18% năm 2012 và 20% trong quý I/2013. Tuy nhiên, Việt Nam chưa đạt được thành công như vậy trong việc đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và chuyển dịch lên trên chuỗi giá trị toàn cầu. Khả năng Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” cũng phụ thuộc vào khả năng xây dựng nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả hơn.

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, Việt Nam cần thiết lập môi trường cạnh tranh nhằm tạo động lực thúc đẩy thương mại. Do Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại đã trở thành yếu tố sống còn trong năng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Báo cáo nêu rõ, các chỉ số đo lường về mức độ tạo thuận lợi thương mại mặc dù còn khác nhau cho thấy còn rất nhiều vấn đề lớn cần được cải thiện như: Về hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics, Việt Nam đã đầu tư rất lớn, song hạ tầng liên quan đến thương mại vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Từ góc độ năng lực cạnh tranh thương mại, tiềm năng tăng trưởng của việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng bởi hạ tầng và kết nối giao thông yếu kém. Các cản trở lớn cần phải kể đến là các hành lang giao thông hạn chế trong việc kết nối các trung tâm tăng trưởng với các cửa ngõ quốc tế, chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics thấp...

Về lĩnh vực thủ tục pháp quy trong giao dịch thương mại qua biên giới, mặc dù Việt Nam đã chú trọng vào cải cách hải quan và đã thu được những kết quả nhất định, song nhiều cơ quan vẫn còn áp dụng các thủ tục lạc hậu, làm tốn kém thời gian, không rõ ràng và tạo điều kiện cho tham nhũng. Quy trình nghiệp vụ phức tạp, không nhất quán, dựa trên thủ tục thủ công và mức độ áp dụng công nghệ thông tin thấp. Trong quá trình tăng mạnh xuất khẩu, không thể bỏ qua những vấn đề mà thủ tục này gây ra đối với năng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Tái cơ cấu chuỗi cung ứng, báo cáo chỉ ra rằng, yếu kém trong chuỗi cung ứng hàng công nghiệp chế biến và sản phẩm nông nghiệp đã cản trở Việt Nam giảm chi phí xuất khẩu để tạo giá trị gia tăng cần thiết. Hạn chế chủ yếu đối với hàng công nghiệp chế biến là phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu và khả năng hạn chế trong việc tìm nguồn nguyên liệu. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến khả năng giảm thời gian chờ và mức độ đáp ứng linh hoạt trước các đòi hỏi của thị trường thế giới.

Đối với khung thể chế, có quá nhiều kế hoạch chiến lược với các kế hoạch và hoạt động chồng chéo nhau, nhưng không có kế hoạch nào coi trọng tạo thuận lợi thương mại. Ở cấp trung và vi mô, còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ trong việc thực hiện tạo thuận lợi thương mại. Tình trạng này cũng như các khiếm khuyết trong chuỗi cung ứng làm cho tạo thuận lợi thương mại kém hiệu quả.

Từ những bất cập nêu trên, báo cáo đề xuất: Thành lập Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại (NCTF) để phát triển và triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia cho tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại; phát triển hạ tầng và dịch vụ giao thông hỗ trợ mối liên kết giữa sản xuất trong nước và quốc tế nhằm tăng cường xuất khẩu; đơn giản hóa thủ tục pháp quy để giảm thời gian, chi phí và tăng cường độ tin cậy của thương mại biên giới; tái cơ cấu chuỗi cung ứng công nghiệp chế biến để tạo ra giá trị và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tái cơ cấu chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Trần Quý

Thanhtra.com.vn