Lều dành cho cuộc sống trên sao Hỏa

Một nhóm sinh viên tại Mỹ kết hợp kiến thức về cơ khí hàng không và công nghệ dệt để tạo ra loại lều phù hợp với điều kiện trên hành tinh đỏ.

Mô hình chiếc lều dành cho phi hành gia trên sao Hỏa của nhóm sinh viên Đại học North Carolina.
Mô hình chiếc lều dành cho phi hành gia trên sao Hỏa của nhóm sinh viên Đại học North Carolina. Ảnh: NASA.

Popular Science cho biết, chiếc lều là sản phẩm của một nhóm sinh viên tại Đại học North Carolina, Mỹ. Nguyên liệu chủ yếu của lều là một loại sợi có khả năng cách nhiệt và chống nhiều loại bức xạ. Loại sợi này được dùng để chế tạo trang phục bảo hộ cho những người làm việc trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật Bản.

Khi người sử dụng bơm không khí vào van, lều sẽ phồng lên và trở nên rất cứng, dai. Nếu muốn chuyển lều tới chỗ khác, người sử dụng tháo van hơi để lều xẹp xuống. Vàng được dát mỏng ở bề mặt ngoài của vỏ lều để chặn tia cực tím - một loại bức xạ có hại đối với con người. Do lều có cấu trúc vòm và độ cứng cao nên nó có khả năng chịu được lực va chạm của thiên thạch - thứ thường xuyên lao vào hành tinh đỏ. Diện tích của lều vào khoảng 177 m2, đủ rộng để một nhóm phi hành gia sinh hoạt và nghiên cứu.

Lò phản ứng Sabatier là thiết bị đi kèm đáng chú ý nhất của lều. Loại lò này gây nên phản ứng giữa CO2 và khí hydro ở nhiệt độ cao để tạo ra khí metan (làm chất đốt) và nước. Từ nước người ta có thể tạo ra khí oxy (để thở) và hydro. Bầu không khí giàu CO2 của sao Hỏa là môi trường hoạt động lý tưởng của lò Sabatier.

Trạm Không gian quốc tế (ISS) cũng được trang bị lò phản ứng Sabatier. Tuy nhiên, lò phản ứng mà nhóm sinh viên lựa chọn hoạt động hiệu quả hơn và an toàn hơn so với lò của ISS.

Minh Long