Cứu doanh nghiệp không chỉ bằng tiền

_BAC0002

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, giãn nợ thuế, giảm thuế... cho doanh nghiệp thì quan trọng hơn nữa là những giải pháp không thể đo bằng bao nhiêu nghìn tỷ đồng. Đó là đẩy mạnh hơn nữa trách nhiệm của bộ máy hành chính với doanh nghiệp.

Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2012, ngày 31/7 

Tại buổi họp báo sau Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2012, ngày 31/7, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất từ nay đến cuối năm.

Phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam hỏi về hướng đi của nền kinh tế những tháng cuối năm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định bên cạnh việc hỗ trợ vốn, giãn nợ thuế, giảm thuế... cho doanh nghiệp thì quan trọng hơn nữa là những giải pháp không thể đo bằng bao nhiêu nghìn tỷ đồng. Đó là đẩy mạnh hơn nữa trách nhiệm của bộ máy hành chính với doanh nghiệp.

Chúng ta nói nhiều về cải cách hành chính nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Với các doanh nghiệp, các vấn đề về đất đai, giải phóng mặt bằng, vốn là rất cốt lõi và Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận trong thời gian qua, đúng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng chậm lại, số doanh nghiệp giải thể tăng lên, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động so với tổng số đăng ký vẫn ở mức khả quan. Hiện trên 70% doanh nghiệp đã đăng ký có hoạt động, có mã số thuế. Và cách đây 2 tháng, Chính phủ đã giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng được một hệ thống thông tin về doanh nghiệp chứ không chỉ điều tra theo tháng, theo năm như trước đây. Số liệu về doanh nghiệp được công bố là số liệu xác thực, có căn cứ cụ thể.

"Nhưng cũng phải thừa nhận, các doanh nghiệp và nền kinh tế đang rất khó khăn. Các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản là có quy mô rất nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Chỉ số xuất khẩu trong những tháng vừa qua vẫn tăng rất ấn tượng, trên 20%, tức là cao hơn kết hoạch và là mơ ước của mọi nền kinh tế, nhưng tăng chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam có khi còn giảm", Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Phóng viên hãng tin Bloomberg muốn biết về các giải pháp xử lý vấn đề nợ xấu trong ngân hàng để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua, không chỉ có một mà nhiều biện pháp để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đã được triển khai, cả từ những biện pháp mang tính hành chính đến những biện pháp mang tính kinh tế, và cả kêu gọi các ngân hàng thương mại chung tay chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp sản xuất. Bởi nếu không tháo gỡ được khó cho doanh nghiệp thì vấn đề của doanh nghiệp cũng sẽ là vấn đề của ngân hàng.

Liên quan đến việc giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ xuống mức tối đa 15%/năm ,Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 27/7, tất cả các ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần đã có văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống rà soát các khoản cho vay cũ và tiến hành giảm lãi suất về tối đa 15%/năm. Tỷ trọng của các khoản dư nợ cho vay có lãi suất trên 15% đã giảm 50% so với trước ngày 15/7.

"Tôi đã đọc bài báo về một doanh nghiệp nói rất kỹ về công ty anh ta nợ ngân hàng nào, bao nhiêu tiền, và cơ cấu lại nợ với từng ngân hàng ra sao, như vậy là rất tốt. Chỉ có bằng giải pháp như vậy, chỉ có cách doanh nghiệp và ngân hàng cùng ngồi lại với nhau và trên quan điểm cùng trên một con thuyền thì chúng ta mới tháo gỡ được khó khăn này," Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói khi ông đề cập việc giải quyết nợ của doanh nghiệp.

Nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát, lãi suất sẽ xuống, khó khăn của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ, những khoản vay cũ được giải quyết. Khi đầu tư công được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm, nợ doanh nghiệp sẽ được giải quyết một phần và doanh nghiệp có điều kiện được vay mới với lãi suất tốt hơn, đây là việc mà chúng ta phải làm liên tục, quyết liệt trong nhiều năm tới đây, ông nhấn mạnh.

Minh Khôi

Nguồn chinhphu.vn