"TP.HCM xây dựng cơ chế đặc thù thu hút doanh nghiệp Nhật Bản"

(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP.HCM trong cuộc Hội thảo về xúc tiến đầu tư diễn ra tại Tokyo chiều 13/10.
Cuộc hội thảo do UBND TP.HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp tổ chức đã thu hút gần 300 đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản.
 
 
Quang cảnh lễ ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư giữa một số doanh nghiệp và trao giấy chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải khẳng định với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước cộng với các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, lao động, cơ sở hạ tầng, TP.HCM luôn là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

TP.HCM cũng là một địa phương đi đầu trong việc đề xuất các chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Để thu hút đầu tư từ Nhật Bản, Thành phố đang xem xét xây dựng một khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Tại khu công nghiệp này, bên cạnh các chính sách ưu đãi riêng, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được đảm bảo về mặt bằng, đảm bảo về thủ tục thông thoáng và các dịch vụ kết cấu hạ tầng đồng bộ.

 

Ý tưởng về một khu công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản nhận được nhiều quan tâm từ các doanh nghiệp nước này. Ông Tsuneo Hayashi thuộc một công ty tư vấn cho rằng nếu ý tưởng này được thực hiện, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản vốn có nhiều khó khăn khi đầu tư ra nước ngoài do thiếu kinh nghiệm và nhân lực có thể giảm bớt rất nhiều thời gian và công sức để thiết lập một nhà máy ở TP.HCM.

 

Tuy nhiên, theo ông Mitamura thuộc Công ty Nidec, để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, TP.HCM cần thực thi một số ưu đãi khác.

 

Hiện Việt Nam đã có chính sách ưu đãi cho các công ty lớn hoạt động trong ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, đối với các công ty nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vốn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp linh kiện cho các công ty lớn, lại chưa có các ưu đãi như vậy do công nghệ của các công ty này không phải là công nghệ cao.

 

Theo ông Mitamura các doanh nghiệp Nhật Bản còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng không theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế, nguồn cung cấp điện không ổn định và tình trạng khó đảm bảo nguồn cung lao động.

 

Tuy nhiên với những điểm hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam như sự ổn định về chính trị xã hội, có vị trí nằm ở trung tâm Châu Á, dân số trẻ và lực lượng lao động cần cù, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu tại Châu Á của doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm hướng chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài do đồng yên tăng giá mạnh. Đây là cơ hội Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng không thể bỏ lỡ.
 

Tại hội thảo Phó Chủ tịch UBND TP/HCM Lê Mạnh Hà cùng đại biểu các ban ngành và doanh nghiệp thành phố đã trả lời nhiều câu hỏi cụ thể mà các doanh nghiệp Nhật Bản nêu lên.

 

Cũng tại hội thảo này, trước sự chứng kiến của Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình cùng lãnh đạo JETRO, đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư giữa một số doanh nghiệp và trao giấy chứng nhận đầu tư cho một số doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Hoàng Liên Sơn ( theo dân trí )