"Sờ vào đâu cũng thấy vấn đề"

Khi sở ngành chức năng đi kiểm tra, nhiều DN "trưng" ra một hệ thống xử lý nước thải chất lượng tuyệt đối cao, "nước xử lý xong có thể lấy ra để rửa mặt". Nhưng, đoàn kiểm tra đi rồi thì hệ thống cũng hết hoạt động.

Làm việc với đoàn giám sát tối cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, từ đầu năm tới nay ông đã ký rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường. Còn một lãnh đạo của Cần Thơ thì nói rằng, mỗi kỳ họp HĐND thành phố là dân lại chất vấn chuyện môi trường nên cũng ngại lắm.

Thông thoáng!

Hồi cuối tháng 5, đoàn giám sát tối cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã  làm việc với các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An.

So với Vĩnh Long và Long An, thành phố Cần Thơ có nhiều khu công nghiệp được quy hoạch sớm.

Hiện, thành phố đã có tới 8 Khu công nghiệp - Khu chế xuất, trong đó đã có 3 khu đi vào hoạt động, các khu còn lại đang giải phóng mặt bằng.

Lãnh đạo thành phố nhận định, các Khu công nghiệp là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Nói như ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp thành phố Cần Thơ, thì trong quá trình phát triển, các Khu công nghiệp đã thu hút được 1,7 tỷ USD vốn đầu tư, hàng năm đóng góp trên 50% ngân sách địa phương.

Nhưng cùng với tốc độ tăng trưởng, hoạt động của các Khu công nghiệp cũng đang gây nhiều hệ lụy môi trường.

 

Đến nay, tuy đã có gần 100% DN hoạt động mà cả hai khu Trà Nóc 1 và 2 vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, nhiều khu công nghiệp mới sẽ tiếp tục được mọc lên.  Thủ tướng đã phê duyệt cho phép thành lập thêm hai khu công nghiệp mới.

Lãnh đạo tỉnh cho hay, do hầu hết các DN đã đi vào sản xuất, nguy cơ ô nhiễm trầm trọng nguồn nước ở phía thượng nguồn sông Hậu là không tránh khỏi. Nước thải Khu công nghiệp Trà Nóc không được xử lý triệt để đang gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt của dân cư lân cận, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trên diện rộng sẽ ảnh hưởng chất lượng nguồn nước mà dân sử dụng.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát, một lãnh đạo trong ngành công an đã chia sẻ tâm tư: "Tình hình môi trường ở Cần Thơ mấy năm vừa qua chưa được chú ý vì tỉnh vẫn đi theo xu hướng chung là kêu gọi, khuyến khích và thu hút đầu tư một cách thông thoáng".

Ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ, do mục tiêu thu hút nên nhiều năm trước, hễ DN nào muốn đầu tư thì tỉnh đều chấp nhận. Song vào thời điểm này, tỉnh đã lên danh mục cụ thể những DN trong diện thu hút đầu tư và những DN không đủ điều kiện. Đặc biệt, các Khu công nghiệp mới phải có hệ thống xử lý chất thải tập trung thì mới được hoạt động.

Không thu hút bằng mọi giá

Khác với Cần Thơ, Long An tuy chỉ có 12/23 khu công nghiệp hoạt động nhưng đã có tới 8 khu xây hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp và tỉnh đã quy hoạch xây dựng khu kinh tế, thương mại hiện đại để thu hút đầu tư.

Ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho hay, lãnh đạo tỉnh cũng rất mong muốn mời gọi các DN đầu tư nhưng quá trình phát triển lâu nay đã để lại không ít hậu quả xấu về môi trường nên tỉnh đã đề ra nguyên tắc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì mới được phép hoạt động.

"Tinh thần là không phát triển với bất cứ giá nào", ông Xuân nói.

Đi vào tìm giải pháp cụ thể xử lý các vấn nạn môi trường hiện tại hay hướng đi sắp tới thì vẫn còn không ít băn khoăn khó gỡ

 

Làm việc với đoàn giám sát, hầu như lãnh đạo các tỉnh đều khẳng định quyết tâm không thu hút đầu tư bằng mọi giá và luôn chú trọng phát triển bền vững. Nhưng đi vào tìm giải pháp cụ thể xử lý các vấn nạn môi trường hiện tại hay hướng đi sắp tới thì vẫn còn không ít băn khoăn khó gỡ.

Chẳng hạn, khi sở ngành chức năng đi kiểm tra, nhiều DN "trưng" ra một hệ thống xử lý nước thải chất lượng tuyệt đối cao, "nước xử lý xong có thể lấy ra để rửa mặt". Nhưng, đoàn kiểm tra đi rồi thì hệ thống cũng hết hoạt động. Chưa kể một số DN tìm cách xả trộm ra sông. Đành phải tìm cách vận động nhân dân cùng phát hiện sai phạm.

Tìm ra tên tuổi DN sai phạm rồi nhưng để xử lý cũng không dễ. Vì liên quan đến số phận hàng trăm lao động. Liên quan đến vốn, công nghệ bạc tỷ mà DN đã đổ vào...

Chia sẻ cái khó của địa phương, song Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định, hầu hết DN vẫn làm ăn theo kiểu "né" trách nhiệm môi trường được đến đâu là cứ né.

Trong khi đó, quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa ở nhiều nơi đang làm gia tăng ô nhiễm, xói mòn và ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống của người dân. "Riêng ô nhiễm môi trường, sờ vào đâu cũng thấy vấn đề", ông Kiên nói.

Như phân tích của các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH, đầu tư cho ra môn ra khoai để bảo vệ môi trường tiêu tốn khoản tiền khổng lồ mà DN chỉ hoạt động vì lợi nhuận, nên nếu nhà quản lý không có giải pháp kiên quyết thì tình trạng ô nhiễm còn lặp lại.

Chưa kể, nhu cầu thu hút và cạnh tranh càng trở nên khó khăn khi các tỉnh lân cận đều có khu công nghiệp, với những điều kiện ưu đãi ngang nhau. Nhiều khu còn đang để trống. Chỉ thu hút dự án công nghệ cao mới mong hạn chế ô nhiễm môi trường, nhưng thực tế các DN đang hoạt động chủ yếu là ngành công nghiệp nặng như chế biến gỗ hoặc lĩnh vực gây ô nhiễm như chế biến thủy hải sản, thực phẩm...

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, vấn đề phải được làm bài bản ngay khâu quy hoạch. Mặt khác, cùng với biện pháp xử lý sai phạm là giáo dục ý thức trách nhiệm cộng đồng cho doanh nghiệp. Tất nhiên, để làm được mọi việc cần phải có thời gian và phấn đấu lâu dài trong nhiều năm nữa