208 triệu người thất nghiệp vào năm 2015

208 triệu người thất nghiệp vào năm 2015

Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục chậm, sau cuộc khủng hoảng tài chính, ở phần lớn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, số lượng việc làm đang tăng lên và bất bình đẳng về thu nhập, đang được thu hẹp so với các nước phát triển. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo ở phần lớn các quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức cao. Nhiều hộ gia đình vốn đã thoát nghèo, nay lại đối mặt với nguy cơ bị rơi trở lại xuống dưới chuẩn nghèo. Ngược lại, ở các nền kinh tế phát triển, bất bình đẳng về thu nhập lại gia tăng trong hai năm vừa qua, trong bối cảnh thất nghiệp toàn cầu tiếp tục gia tăng. Số người thất nghiệp được dự báo sẽ tăng từ 200 triệu hiện nay, lên gần 208 triệu năm 2015.

Tại Việt Nam, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm, tình hình lao động, việc làm có nhiều biến động. Cả nước có trên 31.000 DN thành lập mới và hơn 8,8 nghìn DN quay trở lại hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 602,2 ngàn lao động, đạt 37,6% kế hoạch.


Tìm một việc làm ổn định đang là khó khăn với nhiều bạn trẻ.

Tỷ lệ công nhân lao động trở lại làm việc sau Tết nguyên đán ở những tỉnh, thành phố lớn, có đông công nhân, lao động đạt bình quân hơn 90% và có ổn định hơn so với cùng thời điểm các năm trước. Nhu cầu tuyển dụng của các DN đang hoạt động cũng tăng lên hàng chục ngàn người. Tuy nhiên với hơn 16.600 DN giải thể, ngừng hoạt động do sản xuất kinh doanh thua lỗ, khiến hàng nghìn công nhân, lao động không có việc làm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm và thất nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2012 ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

Việc làm khó phục hồi, do sự hụt hơi của các doanh nghiệp nhỏ

Theo Báo cáo Thế giới Việc làm 2013, bất bình đẳng về thu nhập gia tăng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2011 ở 14 trong số 26 nền kinh tế phát triển, bao gồm Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Bất bình đẳng về kinh tế đồng thời cũng gia tăng. Các DN nhỏ bị tụt lại phía sau so với các công ty lớn về lợi nhuận và hiệu quả đầu tư. Trong khi phần lớn các DN lớn đã trở lại khả năng tiếp cận các thị trường vốn, các công ty nhỏ và mới thành lập bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tín dụng của ngân hàng. Đây là một vấn đề khó khăn đối với sự hồi phục việc làm hiện tại và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế lâu dài.

Báo cáo cho thấy nhóm thu nhập trung bình ở nhiều nền kinh tế phát triển đang dần thu hẹp, do thất nghiệp kéo dài, chất lượng công việc suy giảm và nhiều người lao động bị đào thải khỏi thị trường lao động.

Ông Raymond Torres, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lao động Quốc tế, cơ quan nghiên cứu của ILO, cho biết: “Nhóm thu nhập trung bình bị thu hẹp lại ở các nền kinh tế phát triển là một vấn đề đáng lo ngại, không chỉ cho nhóm đối tượng đó, mà còn vì những lý do kinh tế. Những quyết định đầu tư lâu dài của DN phụ thuộc vào quy mô nhóm thu nhập trung bình có lớn và ổn định hay không, bởi họ chính là những người tiêu thụ trong xã hội”.

Tại Tây Ban Nha, quy mô nhóm thu nhập trung bình giảm từ 50% năm 2007 xuống 46% cuối năm 2010. Ở Hoa Kỳ, 7% người giàu nhất trong dân số có tài sản ròng gia tăng trong hai năm đầu hậu khủng hoảng (56% năm 2009 lên 63% năm 2011). Trong khi đó, 93% người Mỹ còn lại có tài sản ròng suy giảm.

Ông Torres nhấn mạnh: “Cần có thêm nhiều việc làm và việc làm tốt hơn để đạt được sự phân bổ thu nhập cân bằng hơn ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.”

Ngược lại, báo cáo lại chứng minh rằng mức lương cho các giám đốc điều hành ở nhiều quốc gia lại tăng cao trở lại, sau giai đoạn bị đóng băng do ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

ILO cũng khẳng định, đầu tư hiệu quả, lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội đã có tác động tích cực ở những quốc gia như Việt Nam, Brazil, Costa Rica, Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhỹ Kỳ
 

Theo cand