Năm 2020 sẽ đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ

(giao duc 24h) - Sau khi kết thúc đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, dư luận lại rộ lên về sức ép của kỳ thi ĐH, CĐ là quá nặng nên muốn sớm thay đổi phương thức thi tuyển.

 

Về nội dung này, PV đã phỏng vấn lãnh đạo một số trường, còn Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc thi cử trong vài năm tới sẽ duy trì như hiện tại. Dự kiến đến năm 2015 sẽ bắt đầu có những đổi mới cụ thể với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Phải cân nhắc kỹ

Với một trường có đặc thù riêng như trường y, thì kiểu thi “3 chung” này chưa cho thấy được sự đặc thù của trường - đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội. Ông Hinh cho rằng, mỗi kiểu thi có cái hay, cái dở riêng, nhưng như hiện nay thì điều đáng ngại là cả xã hội được huy động vào kỳ thi, quá cồng kềnh. Với 2 kỳ thi liền nhau là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, tới lúc thi đại học cũng là vừa kết thúc tốt nghiệp, bằng còn chưa có thì “Tại sao không nhập vào làm một? Vấn đề là công tác tổ chức thế nào, đòi hỏi có một tổng công trình sư, cần một cuộc cách mạng”.

Ông Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi - thì nhận xét rằng, trước mắt vẫn nên để nguyên kỳ thi tuyển sinh, khi nhu cầu vào ĐH còn quá cao như hiện nay. Vì nếu thi riêng sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi thí sinh giữa các trường, nếu không cẩn thận sẽ trở về thời mỗi thí sinh thi nhiều trường. “Đúng là nên tạo điều kiện học tập cho mọi người, song như hiện nay là hợp lý, tuy vất vả nhưng phù hợp với nền kinh tế” – ông Kim khẳng định.

 

Ông Bùi Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - lại nhấn mạnh, việc bỏ thi cần cân nhắc kỹ thời điểm chín muồi. Về lâu dài có thể bỏ thi nhưng phải chuẩn bị tiền đề. Theo ông Sơn, cũng cần nhìn ra các nước tiên tiến như Nhật Bản thực tế nhu cầu học đại học thấp hơn nhiều so với khả năng đào tạo của các trường, nhưng họ vẫn tổ chức thi. Có thể hiểu rằng việc tổ chức thi là để mọi người thấy được việc học phải có khả năng thực chứ không phải ai muốn học cũng được học. Hay LB Nga cũng đã thí điểm bỏ thi ĐH vào năm 2010 và áp dụng đại trà vào năm 2011, nhưng tình hình diễn ra khá lộn xộn và phức tạp, địa phương không đủ khả năng điều hành.

Ông Sơn cũng cho rằng việc mở đầu vào như nhiều ý kiến đưa ra cũng có cái hay, nhưng xét với điều kiện Việt Nam thì còn nhiều bất lợi, bởi nếu cho cả những người không đủ khả năng vào học rồi lại bị loại ra hoặc kéo dài thời gian học tập thì sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội. Chi phí lúc này là quá cao, vì vậy vẫn cần thi đầu vào để sàng lọc ngay từ đầu, tránh phát sinh những chi phí không cần thiết. Tuy nhiên, ông Sơn nhận định rằng ở thời điểm này, vì muốn hài hòa giữa điều kiện kinh tế - xã hội và đảm bảo chất lượng đào tạo thì vẫn cần tổ chức thi ĐH.

Năm 2020 sẽ đổi mới thi?

Nguyên nhân về áp lực của kỳ thi tuyển sinh ĐH và việc vẫn phải duy trì hình thức thi “3 chung”, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga (Bộ GDĐT) là do sự không cân đối giữa cung và cầu. Hiện nay, nhu cầu học ĐH, CĐ đã cao gấp 3 lần khả năng đáp ứng của các trường với khoảng 2 triệu lượt thí sinh dự thi trong 3 đợt thi ĐH, CĐ, trong khi chỉ tiêu vào khoảng 550.000. Vì vậy, Bộ GDĐT khẳng định, trước mắt việc thi ĐH theo hình thức này sẽ phải kéo dài một thời gian nữa.

Về hướng đổi mới tuyển sinh đại học trong các năm tiếp theo, sau khi kết thúc đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc đổi mới này cần có lộ trình và đi kèm theo nhiều điều kiện. “Bộ luôn xác định cần phải đổi mới để kỳ thi này gọn nhẹ và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ đổi mới thi thì không hiệu quả” – ông Ga khẳng định.

Để có những đổi mới thực sự, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, bộ đang thay đổi mạng lưới mở rộng đào tạo ĐH, CĐ để phấn đấu đến 2020 sẽ đạt quy mô 4 triệu sinh viên, như vậy mỗi năm sẽ tuyển 1 triệu sinh viên đủ chỗ cho 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT nếu các em có nhu cầu. Khi đó áp lực thi không còn và việc tổ chức thi đầu vào sẽ chỉ cần áp dụng với những trường đào tạo tinh hoa, bậc cao, nghiên cứu...

Còn trước mắt, ông Ga cho biết năm nay đổi mới công tác thi cử là công việc trọng tâm song song với đổi mới cách học và cách thi ở phổ thông. Bộ sẽ từng bước công bố lộ trình đổi mới, dự kiến đến năm 2015 sẽ bắt đầu có những đổi mới cụ thể với kỳ thi này. Mốc đổi mới dự kiến là năm 2020.

Ngày 11-7, Bộ GDĐT yêu cầu các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ báo cáo chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành đào tạo và khối thi năm 2011 để phục vụ cho công tác thống kê và xây dựng phương án xác định điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011. Đối với những ngành tuyển sinh nhiều khối thi, bộ đề nghị các trường báo cáo cụ thể số lượng chỉ tiêu của ngành đó ứng với từng khối thi. Báo cáo gửi về Vụ Giáo dục đại học trước ngày 25-