Chiến lược tự đào tạo cho nhân viên của doanh nghiệp

Trò chuyện với Doanh Nhân về công tác đào tạo trong doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search, nhấn mạnh: đào tạo phải trở thành một mắt xích trong chiến lược phát triển chung của mỗi doanh nghiệp.

 - Bà nhận thấy chiến lược tự đào tạo cho nhân viên của doanh nghiệp hiện nay như thế nào?

Các doanh nghiệp đã nhận thấy và ngày càng nhận thức rõ ràng vai trò to lớn của nguồn nhân lực đối với sự thành công và phát triển của mình. Đào tạo và phát triển, vì thế, có một vị trí rất then chốt trong chiến lược phát triển nhân sự của doanh nghiệp. Hầu như doanh nghiệp nào cũng có những hoạt động đào tạo và phát triển, có thể dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những hình thức phát huy hiệu quả, ngược lại cũng có những hình thức mang lại ít hiệu quả. Tôi biết có những doanh nghiệp trả tiền để nhân viên của họ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn như một hình thức thưởng. Theo tôi, việc này mang tính hình thức và tốn kém, không mang lại hiệu quả thực sự. Tôi cũng biết có những doanh nghiệp thành lập hẳn một trung tâm đào tạo và phát triển, hoạt động khá quy mô và phát huy được hiệu quả thực tiễn.

- Bà có thể chia sẻ những bước cơ bản trong quy trình lập và thực hiện công tác đào tạo của doanh nghiệp?

Trước hết, doanh nghiệp phải có mục tiêu rõ ràng cho bất cứ hoạt động đào tạo nào. Thứ hai, phải đo lường được hiệu quả của công tác đào tạo. Thứ ba, tránh việc đào tạo một cách hình thức, không gắn với chiến lược và mục tiêu chung của doanh nghiệp, vì đào tạo rất tốn kém cả về thời gian, nguồn lực, tiền bạc… Trước khi tiến hành đào tạo, việc đầu tiên cần làm là phải phân tích nhu cầu đào tạo. Thậm chí, còn phải tiến hành kiểm kê những kỹ năng để nhận biết là trong tổ chức đã có những kỹ năng gì, thiếu, thừa cái gì. Dựa trên những phân tích đó, mới quyết định sẽ đào tạo cái gì, đào tạo cho ai, vào thời gian nào và bằng cách thức như thế nào...

- Có thể lượng hóa việc đào tạo bằng những công cụ nào?

Chúng ta có thể lượng hóa được thông qua việc tính toán số giờ và ngân sách dành cho đào tạo. Ngân sách dành cho đào tạo bằng bao nhiêu phần trăm của tổng doanh thu. Và thống kê được trong một năm một nhân viên được đào tạo bao nhiêu giờ.

- Trong thực tế, rất khó đánh giá một cách chính xác hiệu quả của công tác đào tạo nhân viên đối với hoạt động của mỗi công ty. Vậy bằng cách nào có thể đo lường được các tác động của đào tạo?

Có nhiều cách để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo cách thức đánh giá hiệu quả đào tạo của Tiến sĩ Donald L.Kirk Patrick, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Mỹ. Ông có một cuốn sách nói về bốn cấp trong đánh giá hiệu quả đào tạo. Cấp cao nhất (cấp số 4) đòi hỏi doanh nghiệp phải đo lường được những tác động/kết quả của đào tạo đối với công việc/kinh doanh (Return on Investment) thông qua hệ thống đo lường/đánh giá/kiểm soát.

- Có giải pháp nào thiết thực nhằm giúp nhân viên thay đổi hành vi sau khi đào tạo?

Theo Tiến sĩ Kirk Patrick thì bạn đang hỏi về cấp số 3 trong bốn cấp đo lường hiệu quả đào tạo. Tại cấp số 3 này, bạn đánh giá sự thay đổi trong cách cư xử, trong hành động của nhân viên dựa trên những khóa đào tạo mà họ tham gia. Đặc biệt, chúng ta xem họ áp dụng những cái họ học vào thực tế như thế nào. Một điều quan trọng là hành vi chỉ có thể thay đổi khi môi trường cho phép.

- Cụ thể là gì?

Ví dụ, bạn cử nhân viên đi học một khóa về tinh thần đồng đội và sau đó mong đợi người đó áp dụng vào thực tế công việc. Tuy nhiên, cá nhân đó cũng không thể thay đổi được gì nếu cả tập thể không hiểu về tinh thần đồng đội. Hoặc hệ thống của tổ chức đó không cho phép người này thể hiện tinh thần đồng đội thì không thể kết luận là người này không học được gì. Ví dụ trên một lần nữa cho thấy rằng, không nên đặt công tác đào tạo riêng biệt mà phải biến nó trở thành một mắt xích trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp. Tôi thấy có nhiều doanh nghiệp đào tạo cho các nhân viên mới cách đột phá, trong khi những bạn trẻ đó cần được đào tạo tại chỗ những kỹ năng làm việc vô cùng cơ bản, những cái rất nhỏ chứ không phải những cái to tát hay mang tính đột phá.

Bài: Thành Trung
Ảnh: Navigos Search
Doanh nhân