Doanh nghiệp phá sản quy mô lao động bị thu hẹp

Theo VCCI, tính đến ngày 1-4-2012 VN chỉ còn 312.600 doanh nghiệp đang hoạt động trong tổng số trên 694.000 doanh nghiệp thành lập kể từ khi có Luật doanh nghiệp.

Thu hẹp quy mô lao động

Doanh nghiệp ngoài nhà nước đã chiếm hơn 96%, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn khoảng 1% nhưng khu vực nhà nước, đại diện là các tập đoàn, tổng công ty vẫn chiếm tới 14,4% lao động và 33,5% vốn.

Trong giai đoạn 2002-2011, báo cáo của VCCI vạch rõ sự chuyển dịch doanh nghiệp diễn ra khá rõ nhưng theo hướng tỉ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng cả về số doanh nghiệp, số lao động và nguồn vốn.

"Luật doanh nghiệp dù đã giúp số doanh nghiệp tăng lên rất nhanh nhưng “một con én không làm được mùa xuân” bởi nó chỉ giúp tạo ra doanh nghiệp, còn có lớn được, phát triển hay không cần những cái khác"

TS Lê Đăng Doanh

Bà Phạm Thị Thu Hằng, tổng thư ký VCCI, cho rằng VN đang đứng trước thực tế thiếu hụt doanh nghiệp có quy mô vừa khi loại hình này chỉ chiếm 2,1% trong tổng lao động toàn quốc.

Đặc biệt, nghiên cứu của VCCI chỉ rõ đặc điểm của khối doanh nghiệp vừa của VN là khu vực này thường có xu hướng thu hẹp quy mô lao động, ít khi phát triển lên được thành các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn về lao động.

Theo dõi kỹ hơn, nhóm nghiên cứu báo cáo của VCCI đã theo dõi trên 4.600 doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ từ năm 2002 thì thấy đến năm 2011 có đến 2/3 vẫn giữ nguyên quy mô. 1/3 số doanh nghiệp siêu nhỏ còn lại thì chỉ có trên 30% phát triển được lên quy mô nhỏ. Số có thể “lớn lên” quy mô vừa và lớn không đáng kể, chỉ trên 2%. Trong khi đó, có tới 34% doanh nghiệp có quy mô lớn năm 2002 đã bị giảm quy mô.

Mặc dù có số vốn trung bình tăng, doanh thu năm 2011 cũng tăng 8,8 lần so với 2002 nhưng báo cáo của VCCI chỉ rõ quy mô bình quân của doanh nghiệp về lao động lại đang thu hẹp dần. Cụ thể, lao động bình quân đang là 74 người/doanh nghiệp năm 2002 đã giảm chỉ còn 34 lao động năm 2011. VCCI phân tích số lượng doanh nghiệp đã tăng nhanh hơn số lượng lao động được tuyển dụng, chứng tỏ số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng.

Cần tăng hỗ trợ khởi nghiệp

Trước thực trạng số doanh nghiệp đăng ký với quy mô ngày càng nhỏ đi và hiện tượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn trong năm 2012, VCCI đề xuất hàng loạt chính sách, trong đó nêu ngay giải pháp đầu tiên là doanh nghiệp cần kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Với số “doanh nghiệp nhỏ không lớn lên được”, VCCI cho rằng cần tăng hỗ trợ khởi nghiệp bởi hiện nay ngoài chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, VN chỉ hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp. Khi đó cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ ít đi và doanh nghiệp lớn sẽ chiếm được ưu thế. Giá điện, xăng dầu cũng cần được điều chỉnh hết sức thận trọng, liều lượng hợp lý.

Môi trường kinh doanh dưới trung bình

Báo cáo của VCCI dẫn các đánh giá về môi trường kinh doanh của VN, trong đó nêu theo Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới, VN được xếp thứ 99/185 quốc gia (năm 2011 đứng thứ 98/183 - tụt 8 bậc so với năm 2010). Đánh giá chi tiết của báo cáo này, VN xếp thứ 108 về mức độ thuận lợi cho khởi nghiệp, thứ 40 về tiếp cận tín dụng, thứ 169 về bảo vệ nhà đầu tư, thứ 138 về đóng thuế, thứ 74 về giao thương xuyên biên giới và thứ 28 về cấp phép xây dựng.

Lĩnh vực được đánh giá có cải cách là thành lập doanh nghiệp với quy định cho doanh nghiệp được tự in hóa đơn giá trị gia tăng. VCCI đánh giá “nhìn chung sau mười năm, môi trường kinh doanh của VN vẫn đang ở mức dưới trung bình so với các nước trong khu vực và thế giới”.

Đặc biệt, VCCI đề nghị cần có quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cách làm, VCCI cho rằng có thể trích một phần vốn của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)...

Phát biểu tại lễ công bố của VCCI, ông Vũ Quốc Tuấn - chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN - nêu những khó khăn khiến doanh nghiệp VN khó “lớn”, đó là thủ tục hành chính vẫn đè nặng doanh nghiệp dù đã cải cách bao năm nay.

“Chúng tôi có cảm giác trước gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới doanh nghiệp phát triển tốt hơn, sau lại phát triển kém hơn. Phải chăng chúng ta chuẩn bị chưa tốt?” - ông Tuấn đặt câu hỏi. Cho rằng Hiến pháp đã giao Chính phủ phải thực hiện tạo điều kiện kinh doanh tốt nhất, ông Tuấn cho rằng “không thể theo kiểu con kêu mẹ mới cho bú mà phải chủ động nhìn thấy khó khăn để tháo gỡ kịp thời”.

TS Lê Đăng Doanh, người từng trong tổ thi hành Luật doanh nghiệp do Thủ tướng lập ra, nhận định “môi trường kinh doanh từ năm 2006 đến nay xấu đi nhiều”. Ông Doanh đơn cử giấy phép con nay đã “tái xuất giang hồ” nhiều hơn xưa. Các giấy phép này đang tác động đến sức tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân. “Cái khó là giấy phép con nay đã chui thẳng vào luật, pháp lệnh chứ không chỉ ở văn bản cấp bộ ngành như trước, nên muốn sửa phải trình Quốc hội” - ông Doanh bức xúc.

Phân tích báo cáo của VCCI nêu doanh nghiệp VN khó lớn và năng lực tiếp cận thị trường chưa cao, ông Doanh cho rằng Luật doanh nghiệp dù đã giúp số doanh nghiệp tăng lên rất nhanh nhưng “một con én không làm được mùa xuân” vì nó chỉ giúp tạo ra doanh nghiệp, còn có lớn được, phát triển hay không cần những cái khác.

Theo ông Doanh, thời gian qua VN đã để nhiều doanh nghiệp “giàu nhờ quan hệ thân hữu, nhờ khai mỏ, đất đai... nên không có năng lực cạnh tranh”. Còn về hỗ trợ để doanh nghiệp vững mạnh, ông Lê Đăng Doanh dẫn cuộc làm việc của Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân với doanh nghiệp khoa học công nghệ mới đây và cho biết có doanh nghiệp đã đứng lên xin thôi ưu đãi miễn thuế (đối tượng doanh nghiệp khoa học công nghệ được miễn thuế). Lý do “vì số tiền chạy đút lót để được miễn thuế cũng gần bằng tiền thuế, mà mất quá nhiều thời gian”.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, đề nghị cần xem xét để có Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi một số nước đã có, để xác định chính sách hỗ trợ rõ. Hiện các cơ quan chính phủ làm rất nhiều về xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp, theo ông Lộc, cần điều chỉnh, chuyển giao dần cho các hiệp hội sẽ hiệu quả hơn, cơ quan nhà nước chỉ nên tập trung quản lý hành chính.

CẦM VĂN KÌNH

http://tuoitre.vn