Nhờ tòa án can thiệp khi bị hàng xóm tranh chấp đất

Theo khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 7 Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự, tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền của tòa án.

> Phải làm gì khi bỗng dưng bị hàng xóm nói lấn đất của họ?

Theo quy định của pháp luật về đất đai, người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, người sử dụng đất phải sử dụng đúng ranh giới, mốc giới của thửa đất mà mình được cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp không xác định được chính xác ranh giới, mốc giới của thửa đất thì người sử dụng đất có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận. Trong trường hợp có sự sai lệch thì người được cấp Giấy chứng nhận phải làm thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất để diện tích, ranh giới, mốc giới của thửa đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với diện tích, ranh giới, mốc giới trên thực tế.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, để có cơ sở xác định gia đình bạn có lấn chiếm đất của hàng xóm hay không bạn cần phải gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để được xem xét, giải quyết.

Sau khi nhận đơn, Ủy ban nhân dân sẽ cử cán bộ địa chính xuống kiểm tra trên thực tế ranh giới và mốc giới của thửa đất đang tranh chấp và đối chiếu với bản đồ địa chính đang lưu giữ tại ủy ban. Bạn cũng cần xuất trình Hồ sơ kỹ thuật thửa đất do đơn vị có thẩm quyền đo đạc khi tách thửa giữa bạn và chủ cũ để cán bộ địa chính kiểm tra, đối chiếu. Nếu bạn không còn giữ Hồ sơ kỹ thuật thửa đất khi tách thửa thì bạn có thể liên hệ với Văn phòng đăng ký đất và nhà quận, huyện, thị xã để xin bản sao.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, cán bộ địa chính cũng có thể kiểm tra diện tích của toàn bộ thửa đất (170m2) để xác định diện tích trên Giấy chứng nhận ban đầu có phù hợp với diện tích trên thực tế hay không bởi có một số trường hợp do việc đo đạc trước đây được thực hiện bằng phương pháp thủ công, không chính xác dẫn đến diện tích trên Giấy chứng nhận có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn diện tích trên thực tế.

Trường hợp sau khi kiểm tra, nếu đủ cơ sở xác định gia đình bạn không lấn chiếm đất của nhà hàng xóm nhưng gia đình hàng xóm không chấp nhận thì Ủy ban nhân dân sẽ tổ chức buổi họp để giải quyết tranh chấp và và lập biên bản hòa giải giữa hai gia đình. Trường hợp hòa giải không thành, theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 7 Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa án.

Với quy định này một trong hai bên đều có quyền khởi kiện ra tòa án quận, huyện, thi xã nơi có đất tranh chấp. Các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án sẽ xem xét, đánh giá toàn bộ các tài liệu do các bên cung cấp cũng như các chứng cứ, tài liệu khác mà tòa án thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án để xét xử vụ việc. Quyền và lợi ích hợp pháp của các bên sẽ được tòa án bảo vệ trên cơ sở quy định của pháp luật.

Đối với việc xây nhà, bên cạnh việc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng, bạn cũng cần cân nhắc kỹ thời điểm tiến hành xây dựng bởi nếu công trình đang xây dựng mà có tranh chấp thì có thể bị tạm đình chỉ xây dựng đến khi vụ việc được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An
41 Trần Hữu Tước, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội