Doanh nghiệp được giảm trừ thuế từ 1/7/2013

Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, kể từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm từ 25% hiện nay xuống 22%, thay vì mức 23% như đề xuất trước đây của Bộ Tài chính. 

Riêng DN sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm được áp thuế 20% ngay từ ngày 1/7/2013, thay vì phải đợi đến khi Luật Thuế TNDN sửa đổi có hiệu lực.  

   
     

Theo Dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, kể từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế TNDN sẽ giảm từ 25% hiện nay xuống 22%, thay vì mức 23% như đề xuất trước đây của Bộ Tài chính.

Đối với DN sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm, kể từ ngày 1/7/2013 được áp thuế suất 20%, thay vì phải đợi đến khi Luật Thuế TNDN sửa đổi có hiệu lực.

Cũng kể từ ngày 1/7/2013, DN đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội. DN đang đầu tư dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư này mang lại.

Theo giải thích của bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc mạnh dạn kiến nghị hàng loạt giải pháp giảm thuế là do DN, đặc biệt là DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, mặc dù số lượng DNNVV được hưởng thuế suất 20% chiếm tới 87% tổng số DN, nhưng số thu ngân sách từ đối tượng này không lớn, vì thế, giảm thuế không ảnh hưởng nhiều đến cân đối ngân sách.

“Dự kiến, áp dụng chính sách này, năm 2013, ngân sách chỉ giảm thu khoảng 1.437 tỷ đồng, nhưng sẽ tạo điều kiện cho DNNVV tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh”, bà Mai giải thích và cho biết, chính sách ưu đãi thuế TNDN với thuế suất 10% đối với thu nhập từ hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội là nhằm thực hiện chủ trương lớn và lâu dài của Đảng và Nhà nước về việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng cần được Nhà nước quan tâm.

“Việc áp dụng thuế suất 10% với đối tượng này cũng không ảnh hưởng lớn đến cân đối ngân sách, năm 2013 dự kiến, chính sách này chỉ giảm thu 37,5 tỷ đồng”, bà Mai nói.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm 1% thuế TNDN, ngân sách giảm thu 6.032 tỷ đồng. Như vậy, nếu Quốc hội chấp thuận mức thuế suất thuế 22%, thì trong 2 năm 2014 và 2015, mỗi năm, ngân sách chỉ giảm thu 18.096 tỷ đồng. Nếu cộng cả số giảm thu do áp thuế 20% với DNNVV và áp thuế 10% đối với thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội, thu nhập từ dự án đầu tư mở rộng thì mỗi năm ngân sách chỉ giảm thu hơn 21.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngân sách giảm thu do giảm thuế chỉ là tính toán trên lý thuyết, còn trên thực tế, trong vòng 3 năm gần đây, năm nào Quốc hội cũng ban hành nghị quyết miễn, giảm thuế, nhưng số thu ngân sách nói chung, thu từ thuế TNDN nói riêng vẫn tăng khá mạnh.

Đơn cử như năm 2012, Quốc hội phải ban hành chính sách gia hạn, giảm thuế TNDN cho nhiều đối tượng, nhưng số thu ngân sách từ sắc thuế này vẫn tăng 10,67 % so với số thu năm 2011. Đây chính là “động lực” khiến Bộ Tài chính mạnh dạn giảm thuế TNDN xuống 22% so với 23% như dự kiến ban đầu.

Ý kiến - Nhận định

Áp thuế suất 20% với DNNVV là phù hợp.

Ông Ngô Trung Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đại Việt Hương (VIETCOS)

Áp thuế suất thuế TNDN phổ thông 22% và thuế TNDN với DNNVV 20% kể từ năm 2014 là hợp lý. Bởi nếu áp thuế suất 20% ngay mà không phân biệt DN lớn, DN nhỏ thì trên thực tế, chỉ có DN lớn, DN có lợi thế kinh doanh, DN FDI có lợi nhuận cao mới được hưởng chính sách giảm thuế, trong khi ngân sách lại giảm thu quá lớn. Một khi ngân sách giảm thu mà không thể khai thác từ nguồn nào khác thì buộc phải tăng các khoản thu khác, cuối cùng cũng đổ vào đầu DN, người tiêu dùng và cả nền kinh tế.

Mức thuế suất 22% vẫn còn cao

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO

Theo giải thích của Bộ Tài chính, mức thuế suất 22% là không cao, thậm chí thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Nhưng theo tôi, mức thuế suất này vẫn còn quá cao do ở các nước, toàn bộ chi phí đều được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế. Còn ở Việt Nam có rất nhiều khoản DN chi phí thực tế cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, như tiền công của chủ DN tư nhân... lại không được trư, khiến thuế suất thực tế cao hơn nhiều so với mức 22%.
 

Theo: baodautu.vn