Vừa qua, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Trần Văn Báu (SN 1965, trú tại Q.10, nguyên Đội trưởng đội Kiểm tra thuế số 8 - chi cục Thuế Q.1) 4 năm tù, Nguyễn Thị Thu Thuỷ (SN 1969, trú tại Q.1, viên chức của chi cục Thuế Q.1) bị phạt 3 năm tù và Hoàng Đình Thuấn (SN 1980, trú tại Q.Bình Thạnh, viên chức chi cục Thuế Q.1) bị phạt 2 năm tù cùng về tội nhận hối lộ.
Trước đó, ngày 12/9/2012, Trần Văn Báu đang nhận 10 triệu đồng của Lê Quốc Duy, Phó Giám đốc công ty TNHH Cuộc Sống Của Tôi trước số nhà 235 Võ Thị Sáu (P.7, Q.3) thì bị cơ quan CSĐT công an TP.HCM bắt quả tang. Đồng thời, Nguyễn Thị Thu Thuỷ và Hoàng Đình Thuấn bị khởi tố vì nhận 6 triệu đồng bồi dưỡng của kế toán công ty TNHH Cuộc Sống Của Tôi do ông Duy làm chủ.
Ngoài ra, Thuỷ còn gợi ý với ông Duy đưa 10 triệu đồng cho “sếp” duyệt hồ sơ nhanh. Trong khoảng thời gian từ ngày 31/8 - 5/9/2012, Duy đã đưa cho Báu nhiều lần với tổng số tiền là 30 triệu đồng nhưng Báu vẫn tiếp tục "vòi tiền" và hoạnh họe ông Duy phải đưa thêm tiền.
Ba cán bộ thuế thuộc chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM)trong vành móng ngựa.
Lợi dụng sai sót trong vấn đề kê khai và nộp thuế của doanh nghiệp, Trần Quốc Long (44 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, nguyên cán bộ của chi cục Thuế Q.Tân Bình) đã đòi doanh nghiệp chung tiền. Đầu tháng 6/2012, dù không có chỉ đạo của lãnh đạo chi cục Thuế quận Tân Bình về việc kiểm tra quyết toán thuế đối với DNTN Khách sạn Cảnh Dương (P.14, Q.Tân Bình) do ông N.H.Đ. làm chủ nhưng Long vẫn nhiều lần đến gặp ông Đ. yêu cầu cung cấp sổ sách, quyết toán thuế 2010, 2011 để kiểm tra. Long "dọa" nếu không cung cấp sẽ chuyển qua tổ kiểm tra và truy thu 20-100 triệu đồng. Do nhiều lần bị Long hăm dọa, thúc ép nên ngày 8/6/2012, ông Đ. buộc phải đưa tiền cho Long 10 triệu đồng. Chiều 21/11/2012, Long đến khách sạn nhận tiền thì bị trinh sát của cơ quan CSĐT công an TP.HCM ập vào tóm gọn.
Tháng 8/2011, Thành ủy TP. Cà Mau nhận được đơn tố cáo của vợ chồng ông Huỳnh Thanh Triều, Giám đốc công ty TNHH Nghệ An (số 19B Nguyễn Ngọc Sanh, phường 5, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) về việc ông Phạm Minh Quang, Phó chi cục thuế Cà Mau có hành vi "nhũng nhiễu". Cuối tháng 4/ 2011, đoàn kiểm tra của chi cục Thuế Cà Mau đến công ty TNHH Nghệ An kiểm tra sổ sách kế toán và vấn đề nộp thuế.
Tại đây, đoàn kiểm tra kết luận số liệu kế toán không phản ánh tình hình kinh doanh tại doanh nghiệp; kê khai không đúng doanh thu. Doanh nghiệp không đồng ý và có đơn khiếu nại. Chính ông Phạm Minh Quang, Phó chi cục trưởng chi cục Thuế Cà Mau ký 4 quyết định xử phạt công ty TNHH Nghệ An cùng cơ sở massage Thủy Cung với số tiền gần 150 triệu đồng. Công ty không đồng ý quyết định trên nên viết đơn đề nghị xem xét, đồng thời tố cáo hành vi, đạo đức, lối sống của ông Quang. Sau quá trình điều tra, Thành ủy TP. Cà Mau đã quyết định kỷ luật về Đảng với ông Phạm Minh Quang đồng thời đề nghị cục Thuế tỉnh Cà Mau kiểm điểm, chuyển công tác khác.
Cũng liên quan đến việc cán bộ thuế "vòi" tiền doanh nghiệp. Cách đây không lâu, do quá bức xúc trước những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ chi cục Thuế TX. Bắc Kạn, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc công ty TNHH Đại Minh đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo. Nguyên nhân sự việc cũng bắt nguồn từ ngày 7/6, chi cục Thuế TX. Bắc Kạn lập đoàn kiểm tra do Bùi Xuân Thanh làm trưởng đoàn đến công ty TNHH Đại Minh. Đoàn kiểm tra thuế đã có biên bản dự thảo hoàn tất công việc kiểm tra với kết quả, số thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 279 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty TNHH Đại Minh đã chỉ rõ những vi phạm về quy trình và thiếu sót về chuyên môn trong bản dự thảo của đoàn kiểm tra. Sau đó, ông trưởng đoàn đã ngã giá với ông Chiến chi 40 triệu đồng tiền mặt để sửa lại biên bản, giảm số tiền thuế phải nộp từ 279 triệu đồng xuống 174 triệu đồng. Tuy nhiên, hành vi “làm tiền” của các đương sự trên đã bị DN lưu giữ bằng chứng và tiến hành khởi kiện.
Cách đây không lâu, cơ quan CSĐT công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 3 bị can và tạm giam đối với bà Trương Thị Thủy, Đội phó đội Kiểm tra thuế thuộc chi cục Thuế TP. Đà Lạt về tội nhận hối lộ. Theo đó, trong lúc bà Thủy đang nhận phong bì 9 triệu đồng của bà N.T.N.T., chủ doanh nghiệp C.N. tại nhà hàng Không Tên (số 1, Triệu Việt Vương, TP. Đà Lạt) thì bị lực lượng công an ập vào bắt quả tang. Sau đó, lực lượng chức năng đã thăm khám nhà bà Thủy còn phát hiện thêm một phong bì bên trong có 10 triệu đồng của một khách sạn trên đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Đà Lạt.
Một cán bộ thuế TP. Đà Lạt bị bắt quả tang khi đang nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp.
Bắt lỗi doanh nghiệp để "nhũng nhiễu"?
Chị T.V.G., kế toán công ty TNHH Xây dựng thương mại T.D. (TP.HCM) chia sẻ: "Thực tế chính sách thuế vốn rất tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, một số cán bộ thuế lại lợi dụng danh nghĩa, uy tín của ngành thuế để bắt chẹt, vòi tiền doanh nghiệp một cách quá đáng. Trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng các công ty làm ăn rất khó khăn. Việc kinh doanh thuận lợi, đầu tư có lãi, chúng tôi cũng không ngại "bồi dưỡng" cho cán bộ thuế để công ty không bị phiền hà. Riêng công ty T.D., cán bộ thuế làm khó dễ nhiều lần.
Vào những năm 2007, công ty tôi chỉ ký hợp đồng phụ trách thực hiện thi công phần nhân công, nhưng đến khi giải trình hồ sơ, cán bộ thuế lại nói công ty thực hiện bao gồm cả vật liệu xây dựng. Để chứng minh công ty làm đúng như trong hợp đồng, chúng tôi đã dẫn cán bộ thuế đến tận nơi để xác nhận thông tin nhưng họ vẫn không đồng ý. Không chỉ thế, công nhân của chúng tôi có ký hợp đồng lao động, có bảng lương, bảng chấm công hẳn hoi nhưng vẫn bị bác bỏ khăng khăng cho rằng giấy tờ của công ty không hợp lệ".
Anh N.T.C., giám đốc công ty cổ phần Dược phẩm V.A. cũng bày tỏ: "Trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Chính phủ có chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng bản thân doanh nghiệp cũng lâm vào tình cảnh kinh doanh thua lỗ vì quá nhiều khoản chi phí, rủi ro... Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp rất khó tiếp cận được sự hỗ trợ này vì các vấn đề thủ tục với các cơ quan liên quan và những lý do khác nhau. Để tránh sự "làm phiền" của cán bộ thuế quan, trước tiên mình phải làm đúng với quy định của pháp luật. Tham gia các lớp tập huấn để cập nhật các vấn đề về thuế để thực hiện cho đủ cho đúng. Cán bộ thuế cũng phải hoàn thành nhiệm vụ của họ, nếu phía doanh nghiệp làm sai phải chịu phạt tùy theo tính chất, mức độ vi phạm".
Doanh nghiệp cũng có lỗi
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng bày tỏ: "Phải thừa nhận tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu doanh nghiệp là một vấn đề khá phức tạp. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do kiến thức về pháp luật thuế của doanh nghiệp còn yếu, kể cả cán bộ kế toán. Mặt khác, do tâm lý doanh nghiệp Việt Nam lúc nào cũng có tư tưởng né thuế để tối đa hóa lợi nhuận. Vì thế, nhiều doanh nghiệp khi thanh tra, quyết toán đều phát hiện vi phạm. Khi vi phạm thì mức xử phạt áp dụng với doanh nghiệp rất nặng. Để khỏi bị xử phạt hoặc giảm mức phạt, doanh nghiệp thường chọn giải pháp làm hòa với cán bộ thuế nên nảy sinh tiêu cực".
Báo chí cũng bị vòng vo, huống hồ...
Liên quan đến vấn đề về các chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp và những hành vi nhũng nhiễu, vòi tiền doanh nghiệp của một số cán bộ công chức trong ngành thuế tại địa bàn, PV đã có buổi làm việc với cục Thuế TP.HCM. Một cán bộ tiếp chúng tôi và cho biết: "Những chính sách, luật và dự thảo luật về chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp thì rất nhiều, tôi không thể nói cụ thể hết được, nên tôi có thể gửi cho anh chị các công văn và giấy tờ liên quan nếu cần thiết. Riêng về việc một số cán bộ thuế vòi vĩnh, gây khó dễ cho doanh nghiệp thì tôi không có đủ chức năng và thẩm quyền để trả lời. Các anh chị có thể gặp lãnh đạo cục để được giải đáp. Tuy nhiên, tôi nghĩ để gặp lãnh đạo cục Thuế, cơ quan anh chị nên cử người có chức năng và thẩm quyền tương đương cấp lãnh đạo để dễ trao đổi hơn"?!
Thiết nghĩ, với PV báo chí mà cán bộ thuế còn có cách ứng xử vòng vo như vậy, thì việc doanh nghiệp bị họ dẫn dắt vào "trận đồ bát quái" phải chăng, như một sự tất yếu?!
Theo nguoiduatin.vn