Dự thảo sửa đổi Thông tư 74 và điều gì xảy ra ?

Dự thảo được UBCK đưa ra lấy ý kiến có định nghĩa: Giao dịch mua bán trong ngày được thực hiện thông qua việc NĐT bán số chứng khoán đã mua từ lệnh mua đã được thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch (mua trước – bán sau); hoặc NĐT mua thêm chứng khoán để bù lại số chứng khoán đã bán trước đó (bán trước - mua sau).

Đối với việc bán trước – mua sau, kết thúc ngày giao dịch, số chứng khoán bán (bao gồm chứng khoán đã có trên tài khoản của NĐT, chứng khoán chờ về và chứng khoán vừa mua trong cùng ngày giao dịch) không được nhiều hơn số lượng chứng khoán đã mua. Tức là phải tất toán trạng thái ngay trong ngày.

Trong trường hợp số chứng khoán bán nhiều hơn số chứng khoán mua hay nói cách khác là NĐT không có đủ số chứng khoán bán thì ngay trong ngày giao dịch (ngày T), CTCK có trách nhiệm cho NĐT vay lượng chứng khoán còn thiếu. Chứng khoán cho vay được lấy từ tài khoản tự doanh của CTCK hoặc vay từ các thành viên khác, hoặc từ các nhà đầu tư khác ...

Lãnh đạo của một CTCK nhận xét, điều quan trọng là việc bán khống cổ phiếu chỉ diễn ra trong ngày, và tài khoản của NĐT phải có lệnh đối ứng (tức lệnh mua đã khớp trước đó). Trong trường hợp CTCK cho NĐT vay chứng khoán thì trong ngày vẫn phải tự cân bằng hàng hóa trong tài khoản nội bộ của CTCK và tài khoản của các NĐT khác tại CTCK đó. Tóm lại, dù thế nào, khi NĐT thực hiện bán khống, CTCK vẫn phải đảm bảo cân bằng hàng hóa trên tài khoản vào cuối ngày.

Như vậy, dự thảo sửa đổi lần này với quy định về giao dịch T+0 và quy định cụ thể hơn về việc hỗ trợ thanh toán của CTCK đối với những NĐT thực hiện việc bán trước – mua sau cổ phiếu đã tạo ra một cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho các vướng mắc được nhắc đến trên kia.

Quy định về hỗ trợ thanh toán cũng ghi rõ, tại ngày làm việc tiếp theo (ngày T+1), nếu NĐT tiếp tục không có đủ số chứng khoán để chuyển giao từ các giao dịch đã thực hiện tại ngày giao dịch (ngày T), CTCK có trách nhiệm yết giá để thực hiện các giao dịch mua bắt buộc trên hệ thống giao dịch của SGDCK hoặc TTLKCK. Tại ngày thanh toán (ngày T+2), nếu NĐT tiếp tục không có đủ số chứng khoán để chuyển giao từ các giao dịch đã thực hiện tại ngày giao dịch (ngày T), CTCK phải thực hiện các lệnh vay chứng khoán trên hệ thống của TTLKCK theo quy chế của Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Chính vì thế, để hạn chế rủi ro, giao dịch T+0 chỉ được phép thực hiện với cổ phiếu trong VN30 và HNX30 vì đó là những cổ phiếu có thanh khoản cao, dễ dàng xử lý khi xảy ra sự cố về việc thanh toán của NĐT.

cafef.vn - InfoNet