Gia đình Thanh Lam - Quốc Trung hòa hợp trên sân khấu

Một Thanh Lam mạnh mẽ đầy biến hóa bên cạnh một Quốc Trung được đề cao, không phải là cái bóng mờ nhạt phía sau ca sĩ. Đêm nhạc “Đường xa Mây trắng” thỏa mãn hơn 300 khán giả có mặt tại khán phòng Ngụy Như Kom Tum, Hà Nội, tối 25/6.

 

 

trước đó một tuần, cũng với sự có mặt của Thanh Lam và Quốc Trung, khiến không ít người lo lắng cho số phận của “Đường xa Mây trắng”. Nhưng đúng như lời nói của Lam, “Đường xa Mây trắng” khác hẳn “Cầm tay mùa hè” về chất. Nếu trong “Cầm tay mùa hè”, diva nhạc nhẹ phải dung hòa với hai đàn em Uyên Linh - Hà Linh trong một chương trình mang nhiều tính thị trường, chiều theo thị hiếu số đông khán giả thì đến “Đường xa Mây trắng”, cô phóng khoáng, thỏa sức tung hoành ở một không gian chuyên nghiệp, nặng tính nghệ thuật. Mây trắng bay về, Tre xanh ru Lam thể hiện tại “Cầm tay mùa hè” vẫn được hát lại tại “Đường xa Mây trắng” nhưng theo một bản phối Acoustic hoàn toàn mới. Vẫn là khán giả yêu Lam nhưng những người đến với “Đường xa Mây trắng” dường như là lớp người kén chọn hơn, khó tính hơn. Giống “Cầm tay mùa hè”, “Đường xa Mây trắng” không còn một chỗ trống.

Mỗi số của Không gian âm nhạc, người biên tập đều khéo léo chọn ra hai gương mặt nghệ sĩ có mối liên hệ nhất định với nhau. Tùng Dương - Lê Cát Trọng Lý đều là hai người trẻ đầy cá tính, đi cùng một con đường. Tuấn Ngọc - Nguyên Thảo chênh lệch về tuổi tác nhưng chung màu sắc âm nhạc. Quốc Trung - Thanh Lam từng là vợ chồng với sợi dây ràng buộc là hai con nhỏ. Sắp tới là Ngọc Anh - Anh Khang, hai chị em ruột. Tuy nhiên, điểm khác biệt của “Đường xa Mây trắng” với “Cỏ hồng”, “Dương & Lý” nằm ở chỗ, một người là ca sĩ - một người là nhạc sĩ. Chương trình vì thế chia thành hai phần riêng biệt, nhưng vẫn có sợi dây dẫn dắt để khán giả không cảm thấy bước hụt trên con đường chiêm ngưỡng nghệ thuật.

Phần đầu: “Đường xa” lấy cảm hứng từ dự án âm nhạc thành công nhất của Quốc Trung - Đường xa vạn dặm, thể loại world music phát triển từ chất liệu âm nhạc dân gian đã lưu diễn nhiều quốc gia trên thế giới, trước cả Vua và hoàng hậu Nhật Bản. Ba bản dân ca Đào liễu, Lưu lạc, Vọng nguyệt do hai nghệ nhân Xuân Diệu, Thanh Hoài thể hiện đem đến bất ngờ cho người nghe bởi sự quen và lạ. Có chất xẩm, chất chèo trên nền sáo trúc, đàn bầu, đàn tranh, nhị và mõ, lại có sự nâng đỡ của bass, trống, guitar. Đây là phần khó và tinh tế, nhưng không dễ nghe với nhiều người, rõ ràng là chỉ hợp với không gian nhỏ có tính biệt lập như khán phòng Ngụy Như Kom Tum.

Liền tiếp đó Thanh Lam xuất hiện, áo dài cách điệu ngồi trên chiếu hát Em tôi, Chờ đợi, Một thoáng Tây Hồ. Sáng tác của Thuận Yến, Phó Đức Phương sở dĩ vẫn ăn nhập vào thể loại world music bởi mang đậm màu sắc dân gian xây dựng trên thang âm ngũ cung. Việc Thanh Lam hát cùng NSƯT Thanh Hoài hay đào nương trẻ Kiều Anh, ngụ ý nói với khán giả về con đường phát triển của âm nhạc với những sự thừa hưởng, giao thoa và cách tân. Đào nương Kiều Anh 18 tuổi - người từng thể hiện bài hát trong phim “Long thành cầm giả ca” - đã thuyết phục mọi người vào khả năng thể hiện loại hình âm nhạc dân gian khi không chỉ hát ca trù mà còn hát dân ca cùng Thanh Lam Người ơi, người ở đừng về chào khán giả cuối chương trình. Ánh đèn sân khấu liên tục chiếu về phía các ca sĩ, nhưng "Đường xa" lại khắc họa và đề cao Quốc Trung, cho thấy sự tìm tòi sáng tạo để bắt kịp với thế giới và nỗ lực quảng bá âm nhạc Việt Nam của anh.

Phần hai: “Mây trắng” chủ yếu khắc họa Thanh Lam với phong cách pop rock thường thấy. Có lúc chị nghiêng về pop - nhẹ nhàng, trong sáng với Mây trắng bay về, Em và tôi, Hoa tím ngoài sân, Hoa sữa, Giọt nắng bên thềm trên nền piano của Quốc Trung y như thời của 10 năm trước, lúc lại nặng về rock bốc lửa, quay cuồng bên trống, guitar điện khi hát Thành phố vắng anh, Đố tình, Hồ núi Cốc. “Người đàn bà hát” còn tặng khán giả bài Tiến thoái lưỡng nan mà chị chưa thể hiện ở đâu. Tiến thoái lưỡng nan từng được Lam hát trên nền phối khí của Quốc Trung dự định cho vào album “Mây trắng bây về” nhưng cuối cùng lại bị bỏ ra. Lam bị chê trách rất nhiều khi hát nhạc Trịnh, lý do là nhạc Trịnh lạnh, cần độ khoan trong khi Lam lúc nào cũng nóng. Tuy nhiên với Tiến thoái lưỡng nan, Lam lại có độ rung giọng rất phù hợp.

Lần đầu tiên trên sân khấu chuyên nghiệp, con trai và con gái của Thanh Lam - Quốc Trung đều có mặt. Cậu con trai nhỏ Đăng Quang thường theo mẹ đi họp báo, hay ngồi một góc rụt rè như con gái đã đĩnh đạc ngồi độc tấu piano Chopin, cho thấy một tiếng đàn thành thạo, chuyên nghiệp. Sắp tới cậu sẽ cọ xát tại đấu trường châu Á trong Concours Hàn Quốc. Trong khi đó, cô con gái 16 tuổi hát cùng mẹ bài Giọt sương trên mí mắt lại hơi non, không cho thấy sự kế thừa âm vực rộng, chất giọng trường, dày của mẹ. Sở dĩ Thanh Lam chọn Giọt sương trên mí mắt để song ca cùng Thiện Thanh bởi 14 năm trước, khi tập ca khúc này, chị đang mang bầu Đăng Quang và Thiện Thanh khi ấy mới hai tuổi cũng phải theo mẹ tới sân khấu. Ba mẹ con còn tạo ra hình ảnh đẹp trên sân khấu khi cùng nhau hát điệp khúc Tre xanh ru - sáng tác của Quốc Trung. Sự xuất hiện của Xu và Xíu - tên thân mật hai con Thanh Lam - không chỉ có tác dụng liên kết âm nhạc mà còn liên kết bố mẹ, khơi gợi nên những cảm xúc cá nhân đẹp đẽ một thời giữa người nhạc sĩ tài hoa và nữ hoàng nhạc nhẹ.

Suốt chương trình, sau mỗi bài hát, Thanh Lam đều đưa tay về phía Quốc Trung - như để giới thiệu, như để cảm ơn người đồng hành với mình. Có lúc, chị đến hẳn bên Quốc Trung - dựa vào cây đàn của anh say sưa hát Giọt nắng bên thềm. Rõ ràng là khi không còn mối duyên trong cuộc sống, mối duyên âm nhạc của họ vẫn không thể đứt.

Ngọc Trần
Ảnh: Ngọc Trần