Ngành Du lịch phát triển một phần do ý thức người dân

Trong thời gian gần đây và nhất là sau dịp nghỉ lễ dài ngày trong tháng 4 và đầu tháng 5 này, dư luận rất bức xúc trước tình trạng bắt chẹt, lừa đảo, trộm cắp tài sản... của du khách trong và ngoài nước. Điều này phần nào làm xấu đi hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Hơn bao giờ hết, việc cải thiện môi trường du lịch ở Việt Nam cần được đặc biệt quan tâm. Và đã đến lúc, chúng ta nên có một cuộc vận động "Người Việt Nam chung tay xây dựng và gìn giữ hình ảnh Việt Nam".

Chúng ta đã từng quan niệm "khách hàng là Thượng đế", thì các du khách quốc tế đến Việt Nam cần được coi là "thượng khách" và họ cần phải được chào đón nồng hậu nhất. Vậy mà chỉ trong vòng một tuần, những vụ việc liên tiếp về hành vi chặt chém, lừa đảo các "thượng khách" đã thật sự gây "giật mình" cho ngành du lịch. Điển hình là hai vụ du khách bị lừa đảo ở Hà Nội: 3 du khách Pháp bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn câu kết lừa đảo, doạ đánh, doạ cho người…giết. Tiếp đó, 3 mẹ con du khách Australia bị xích lô “chặt chém” tới 1,3 triệu đồng cho đoạn đường chừng 5 km.


Du khách đến Việt Nam (Ảnh khai thác từ Internet)
Dẫu sau đó chúng ta đã có những động thái kịp thời như: buộc nhân viên khách sạn lừa đảo kia xin lỗi và bồi thường cho 3 du khách Pháp, hay đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng đại diện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội đã đến xin lỗi 3 mẹ con du khách Australia, tặng quà và bố trí xe đưa họ ra sân bay..., nhưng với những người giàu lòng tự trọng, thì đây là những việc làm đáng xấu hổ, đáng lên án. Điều đáng lo ngại là, biết đâu đó, trong số hàng nghìn du khách đến Việt Nam với tâm trạng háo hức còn rất nhiều người ra về với tâm trạng bức xúc?.

Chúng ta không thể phủ nhận những thành tựu đáng mừng của ngành Du lịch nước nhà. Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Du lịch Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây: năm 2010 tăng 35%, năm 2011 tăng 19%. Năm 2012, du lịch được đánh giá là một trong hai điểm sáng trong nền kinh tế-xã hội.

Bên cạnh những tín hiệu mừng ấy, đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử với du khách. Một số cá nhân, doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt, làm ăn theo kiểu "chụp giựt", coi lễ hội, coi những kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để "chặt chém".

Năm 2012, du lịch được đánh giá là một trong hai điểm sáng trong nền kinh tế - xã hội Việt Nam. Năm 2012, du lịch Việt Nam đón hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 32 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 160.000 tỷ đồng.

Năm 2013, ngành du lịch Việt Nam để ra mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 35 triệu lượt khách du lịch nội địa. Nhưng theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch giữa tháng 4 vừa qua, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đầu năm nay có sự suy giảm so với năm 2012.

Trong mỗi dịp nghỉ lễ, du khách cũng phải trả gấp đôi, thậm chí gấp ba lần giá niêm yết để có một phòng nghỉ; giá các món ăn cũng bị tính tăng gấp nhiều lần; rồi sau mỗi dịp nghỉ lễ, thì hiện tượng nhồi nhét gấp đôi, gấp ba, ép bán khách dọc đường, vẫn là chuyện... "thường ngày ở huyện". Thậm chí cả những người bán hàng rong, trẻ đánh giầy... cũng có những mánh khóe để "bắt chẹt" du khách.
Những nhà quản lý ngành du lịch hoặc lãnh đạo các địa phương xin hãy đừng tự nhủ rằng đó những biểu hiện ấy là những "hạt sạn", hay "con sâu bỏ rầu nồi canh". Chúng ta cần xử lý nghiêm những cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương để xảy ra những vụ việc như vậy, nếu không thì công sức của hàng triệu lao động trong ngành du lịch và những nỗ lực nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam có thể "đổ xuống sông xuống biển". Chúng ta có thể đếm được số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng điều chúng ta chưa thực sự quan tâm và chưa làm đó là đo độ hài lòng của khách đến với Việt Nam như thế nào.

Con số trên 80% du khách nước ngoài không quay trở lại Việt Nam khiến bất kỳ người dân nào đều phải suy nghĩ, trăn trở.

Chúng ta vẫn thường nói du lịch là "ngành công nghiệp không khói", là "con gà đẻ trứng vàng" và lo toan tới những việc như: xây dựng thương hiệu quốc gia, xúc tiến, quảng bá, xây dựng đội ngũ chuuyên nghiệp... Nhưng trước hết, để du khách “một đi còn trở lại” và "bạn về rồi bạn vẫn nhớ ta", việc tạo ra một môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách là công việc cần thiết trước tiên.

Chúng ta đã từng có các cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thì giờ đây, cũng nên phát động cuộc vận động "Người Việt Nam chung tay xây dựng và gìn giữ hình ảnh Việt Nam". Chỉ khi từng người Việt Nam tự ý thức được trách nhiệm được việc làm của mình, thì hình ảnh Việt Nam mới ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế./.

Mai Hồng/VOV1