Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Phan Châu Trinh

(GDVN) - "Tôi đồng tình với cách tuyển sinh này, bởi đã góp phần đánh giá năng lực toàn diện năng lực của học sinh. Nhưng trong điều kiện của xã hội hiện tại thì muốn thực hiện đề án này cần sự nỗ lực rất lớn".

Mặc dù Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực từ năm 2012, trong đó quy định trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường (cả công lập và ngoài công lập), nhưng phải đến gần đây, vấn đề này mới được Bộ GD&ĐT triển khai ở 10 trường nghệ thuật, và kèm theo đó là "lời hứa" với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Trong bối cảnh đó, có thể khẳng định Trường ĐH Phan Châu Trinh là một người tiên phong lập đề án với hy vọng được Bộ xem xét cho trường được hiện thực hóa quy định nêu trong Luật Giáo dục Đại học.

Đề án tuyển sinh riêng của ĐH Phan Châu Trinh

'Hoan hô bác Nguyên Ngọc'!

Điểm thi đại học: 7-3-3. Điểm xét tuyển: 66,87. Đỗ hay trượt?

Nhà văn Nguyên Ngọc: 'Muốn vào trường tôi, đừng học thuộc lòng'

'Điểm thi đại học chỉ có giá trị 20%, thế là đủ'

Đề xuất đột phá chưa từng có về phương án tuyển sinh 2013
Về đề án tuyển sinh của Trường ĐH Phan Châu Trinh, Báo Giáo dục Việt Nam đã đăng tải một số bài (mời bạn đọc theo dõi qua box thông tin bên cạnh).

Để có cái nhìn đa chiều, sâu sắc hơn, phóng viên Giaoduc.net.vn đã trò chuyện với một số nhà giáo dục nổi tiếng xung quanh đề án này, trong đó có GS.TSKH Hoàng Xuân Sính, một trong những người sáng lập ra Trường ĐH Thăng Long, trường đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam.

Theo nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam, mô hình thi “3 chung” khi ra đời có nhiều ưu điểm, tuy nhiên xu thế phát triển của các trường đã khiến “chiếc áo 3 chung” trở nên chật chội và không còn phù hợp nữa. Đến nay, đa số các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh. Thế nhưng, đó là con đường không ít gian nan. “Để lập được đề án tuyển sinh riêng đòi hỏi trường đó phải đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cho đến nay số trường được kiểm định rất ít, trường NCL thì lại càng hiếm. Nói cách khác, gợi ý của Bộ là quá khó cho các trường ngoài công lập”, bà chia sẻ.


GS Hoàng Xuân Sính (Ảnh Hoàng Long - Đại đoàn kết)

Với đề án tuyển sinh riêng của Trường ĐH Phan Châu Trinh, GS Hoàng Xuân Sính nhận định: "Phương án tuyển sinh này có sự tham khảo điểm thi Đại học, nhưng mức tham khảo chỉ dừng lại là 20%, còn lại 80% thuộc 4 tiêu chí khác. Tôi đồng tình với cách tuyển sinh này, bởi đã góp phần đánh giá năng lực toàn diện năng lực của học sinh. Nhưng trong điều kiện của xã hội hiện tại thì muốn thực hiện đề án này cần sự nỗ lực rất lớn".

Theo GS Hoàng Xuân Sính, đề án này phù hợp hơn với số lượng tuyển sinh viên ít, còn trong phạm vi tuyển 400 sinh viên hệ đại học, 200 sinh viên hệ cao đẳng như Trường ĐH Phan Châu Trinh đề ra là hơi "quá sức", gặp khó khăn trong vấn đề nhân lực. Cụ thể, tại tiêu chí thứ 4 và thứ 5 Trường ĐH Phan Châu Chinh đặt ra: Kết quả kiểm tra về khả năng tư duy của thí sinh (do nhà trường tổ chức) và kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích...của thí sinh. Theo GS Hoàng Xân Sính, trong tiêu chí này, thầy và trò phải cùng đối thoại. Nhà trường cần chọn những người thầy có kinh nghiệm, bởi những giáo viên trẻ không đủ sức đánh giá được năng lực toàn diện của sinh viên. Trong khi đó, giáo viên cơ hữu tại trường phần nhiều là những người trẻ, vậy những giảng viên đứng tuổi sẽ không có sức làm xuể. Những năm Trường Thăng Long cũng tiến hành phỏng vấn sinh viên, với số lượng tuyển ít mà thầy cô đã phải làm việc tới 8 tiếng/ngày.

Bên cạnh đó, thực hiện tuyển sinh theo đề án của Trường Đại học Phan Châu Trinh nếu làm không tốt có thể nảy sinh tiêu cực. GS Hoàng Xuân Sính cho biết: 6 năm Trường Thăng Long tuyển sinh riêng đều tuyển chọn những người thầy nổi tiếng liêm khiết, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thế nhưng vẫn không tránh được những rắc rối. Bà kể lại: "Ngày còn tuyển sinh theo dạng phỏng vấn, mỗi buổi làm việc tôi đều cố tình về nhà muộn. Có hôm đến 12h đêm tôi trở về nhà mà phụ huynh vẫn còn đợi trong bóng tối, rồi ùa vào nhà tôi, họ bắt đầu kêu nghèo kể khổ, kể rằng cháu bình thường vốn thông minh nhưng trong lúc phỏng vấn lại bị “cuống” để tôi thương mà cho điểm đỗ... Các thầy chấm thi trong những năm đó đều phải… trốn đến ở nhà người quen. Ngày đó, tuyệt đối không có tiền nong đút lót mà phụ huynh ép người chấm thi bằng tình cảm. Nhưng trong điều kiện xã hội hiện nay, nếu không có tâm với nghề, tôi e rằng tiêu cực tiền bạc khó tránh khỏi".

Sau này, khi Trường ĐH Thăng Long áp dụng thi theo hình thức “ba chung”, GS Hoàng Xuân Sính chia sẻ: "Tôi vẫn bị phụ huynh ép về tình cảm. Nhưng tôi trả lời phụ huynh rằng: Bài thi sau khi được chấm sẽ phải nộp lên Bộ, điểm chấm xong không xê dịch được, nếu ai thắc mắc đều có thể làm đơn xin phúc tra. Như vậy, cái “lợi” của kỳ thi “ba chung” đó chính là… lấy Bộ GS&ĐT để… dọa phụ huynh, tránh những tiêu cực không đáng có".

GS Hoàng Xuân Sính nhấn mạnh: "Qua 6 năm từng làm tuyển sinh riêng, có ưu điểm là tôi đã “gạt” ra được những học sinh ngổ ngáo. Bởi tôi đánh giá ý thức của sinh viên rất quan trọng, nếu không có ý thức thì một sinh viên giỏi, vào đại học cũng chỉ để… phá nhà trường mà thôi. Ưu điểm là những năm đó, sinh viên vào trường đều rất ngoan. Tuy vậy, 6 năm đó, số lượng sinh viên tuyển vào không nhiều. Đến năm 2000, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đến thanh tra đã chỉ ra: Trường Thăng Long chịu khó lấy thêm sinh viên để lấy thu bù chi".

* Bài tiếp theo: Liệu những khó khăn GS Hoàng Xuân Sính nêu ra có thể giải quyết được trong trường hợp Trường ĐH Phan Châu Trinh hay không? Mời các bạn đón đọc bài viết về một chuyên gia có 10 năm tư vấn tuyển sinh cho ĐH Havard xung quanh vấn đề này, vào sáng 28/3.
Quyên Quyên