Doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ

 

Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn song không ít các doanh nghiệp đã nỗ lực nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nước phát triển để cải tiến sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm tác động xấu đến môi trường, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Thúc, Phó Tổng giám đốc CTCP Giấy Sài Gòn cho biết cải tiến công nghệ là một trong những yếu tố phát triển bền vững, nên dù đang trong giai đoạn khó khăn, Giấy Sài Gòn vẫn quyết định đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo ra sản phẩm xanh, thân thiện môi trường theo tiêu chuẩn 5Gs.
Cụ thể, công ty đã đầu tư 100 triệu USD để nhập công nghệ sản xuất và máy móc thiết bị hiện đại từ châu Âu và Nhật Bản cho dự án mở rộng nhà máy Mỹ Xuân II. Trong đó hệ thống xử lý nước thải và hệ thống xử lý giấy vụn chiếm 20 triệu USD.

Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển đã cải tiến thay đổi trắc đồ lò cao sản xuất phân lân nung chảy; nâng công suất lên 100.000 tấn/năm (11-12 tấn/giờ), so với thiết kế ban đầu là 10.000 tấn/năm. Giảm định mức tiêu hao than tại cửa lò 67,7%, giảm định mức tiêu hao điện là 81,3%. Nâng công suất lò lên 13-14 tấn/giờ, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đạt yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác.

Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã xây dựng công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric của các xưởng I và II từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ 2 lần. Công trình này không những tăng hiệu quả sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu mà còn làm giảm ô nhiễm khí thải công nghiệp xuống dưới mức cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Định mức tiêu hao lưu huỳnh trước và sau khi chuyển đổi giảm 1,2% và đến nay đã giảm 2,4%, giúp công ty mỗi năm tiết kiệm hàng trăm tấn lưu huỳnh nguyên liệu.

Công ty CP Cao su Đà Nẵng cũng từng bước hiện đại hóa công nghệ, thiết bị, đồng thời cải thiện căn bản điều kiện làm việc và môi trường sản xuất, nhờ vậy năng suất lao động tăng lên không ngừng. Theo thống kê, năng suất lao động năm 2009 tăng 10 % so với năm 2008, năm 2010 tăng 15 % so với năm 2009…

Việc đầu tư công nghệ điện phân xút - clo bằng phương pháp màng trao đổi ion (Membran) ở nhà máy hóa chất Biên Hòa (thuộc Công ty TNHH một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam) và Công ty CP Hóa chất Việt Trì cũng đem lại hiệu quả lớn. Do áp dụng công nghệ mới, hiện đại, đã tăng năng lực sản xuất của 2 nhà máy lên trên 50.000 tấn/năm và tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội, giảm định mức tiêu hao nguyên - nhiên liệu.

Cần Nhà nước quan tâm hỗ trợ

Nhưng do chi phí đầu tư cho các hoạt động này quá cao nên chỉ có những doanh nghiệp lớn mới đủ sức tiến hành, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn lâm vào thế thiếu vốn kinh doanh và khó tiếp cận vốn vay.

Vì vậy, tại Việt Nam, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển chỉ chiếm khoảng 0,7% GDP.

Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu...

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của đổi mới công nghệ đối với sự thúc đẩy phát triển đất nước, trong thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới công nghệ. Cùng với việc ban hành các nghị định với trọng tâm nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp thông qua các hoạt động đổi mới quy trình, sản phẩm công nghệ, Việt Nam cũng đã nỗ lực hình thành thêm một số kênh hỗ trợ tài chính đổi mới công nghệ theo hình thức quỹ như Quỹ phát triển KHCN quốc gia, Quỹ phát triển KHCN địa phương, Quỹ phát triển KHCN doanh nghiệp, đặc biệt gần đây là Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

Đặc biệt, chúng ta đang xây dựng Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 với mục tiêu tăng số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ đạt 10%/năm; giai đoạn 2015 – 2020 tăng 15%, trong đó 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia làm chủ được công nghệ, giai đoạn 2015 – 2020 doanh nghiệp tạo ra được công nghệ. Hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững tại mỗi vùng sinh thái; giai đoạn 2015 – 2020 hình thành nhóm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tại từng địa bàn, một số mô hình tại mỗi tỉnh của vùng sinh thái.

Vũ Trọng 

Nguồn chinhphu.vn